(TCNN) Có người bảo rằng, nếu biết kể chuyện, những hàng cây Hà Nội là một… kho báu lịch sử.
Dòng người hàng ngày vẫn tấp nập ngang qua quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục mà ít người để ý góc quảng trường phía ven Hồ Hoàn Kiếm có một cây đề không lớn lắm. Cũng vì không lớn lắm, chẳng mấy ai biết trên một chạc cây vẫn còn lại vòng dây thép bó quanh. Ấy vậy mà với không ít người cao niên Hà Nội, cái những vòng dây sắt đó gợi về một thời quá khứ. Đó là cái vòng treo chiếc loa phóng thanh công cộng thời chiến tranh.
Hồi ấy với nhiều người, loa phát thanh công cộng gần như là phương tiện thông tin duy nhất. Chiếc loa đặt ở nơi đông người qua lại, hễ phát những thông tin quan trọng, là nhiều người đứng lại bên gốc đề này lắng nghe. Đã bao lần người Hà Nội được nghe thông tin chiến thắng từ miền Nam gửi ra? Bao lần chiếc loa cảnh báo về máy bay Mỹ? Bao lần quân dân Hà Nội ngẩng cao đầu khi chiếc loa thông báo thủ đô chiến thắng trong những trận oanh kích của quân thù? Cứ thế, gốc đề trở nên thân thương đến lạ. Cũng dưới gốc đề ấy, hàng trăm người đứng dầm mưa nghe bản tin đặc biệt, trong cái ngày “người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, khi đất nước tiễn đưa Hồ Chủ tịch về nơi an nghỉ. Những lúc hồi tưởng lại như thế, ai bảo cây không có hồn?
Chẳng phải ngẫu nhiên mà đại đa số người Việt gọi những cây cổ thụ là “cụ” cây. Chẳng phải riêng ai, một lúc nào đó, soi mình vào những gốc đa, cội gạo cổ thụ, có thể ta thấy bóng dáng cụ kỵ cha ông ta từng gắn bó với những gốc cây này.
Đất thiêng Thăng Long – Hà Nội có lịch sử ngàn năm, cũng là nơi có nhiều cây cổ thụ nhất, theo Trung tâm Giáo dục truyền thông môi trường (đơn vị nghiên cứu đề tài về cây cổ thụ Hà Nội, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), chỉ tính trên địa bàn Hà Nội trước khi mở rộng, Hà Nội có hơn 700 “cụ”. Cao niên nhất trên địa bàn thủ đô là “cụ” đa tía hơn 700 tuổi tại chùa Gia Cốc, thôn Long Quy (xã Kiêu Kỵ - huyện Gia Lâm). Cũng ở địa phương này còn có cây bồ đề trong chùa Kiêu Kỵ có tuổi đời hơn 600 năm. Nhẩm ra, các “cụ” cây này tồn tại từ khi các vua nhà Trần vẫn ngự trên ngai vàng!
Vùng đất linh thiêng ven Hồ Hoàn Kiếm cũng có nhiều cây quý. Mỗi khi đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm, tôi lại tiếc ngẩn tiếc ngơ, con hồ này có khá nhiều “cụ” cây mà không phải ai cũng biết đến. Chếch mé Tây, trong khuôn viên báo Nhân Dân, có cụ đa lông bốn trăm năm tuổi, đường kính tán chỗ rộng nhất lên đến cả trăm mét. Giới khoa học đánh giá, “ là dấu ấn cuối cùng của chùa Báo Thiên” – một công trình lớn của Thăng Long bị người Pháp phá đi xây Nhà Thờ lớn. Không những thế, đây là cụ đa lông lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Cách “cụ” đa này vài trăm mét, chếch phía bên kia hồ, là một “cụ” lộc vừng tuổi đời trên 300 năm. Đến mùa, cụ vẫn đơm hoa. Không biết bao nhiêu nhà nhiếp ảnh phải cám ơn cụ, vì cụ lộc vừng này đã cho họ những góc nhìn tuyệt mỹ về Hồ Gươm. Gần UBND TP. Hà Nội còn có một cây gạo lớn. Quanh cây gạo này khá nhiều chuyện thú vị, người Hà Nội đồn rằng, khi xây tòa thị chính, người Pháp cũng bị ảnh hưởng bởi quan niệm “cây gạo có ma”, nên trồng cây gạo để nếu có, ma quỷ sẽ ra cây gạo đó chứ không quấy nhiễu tòa thị chính. Và cây gạo đó đã thành một nhân chứng lịch sử từ bấy đến giờ. Giả thử bên mỗi gốc cây cổ thụ đó, có đôi dòng chú thích, hẳn du khách sẽ thích thú lắm. Tôi ngờ rằng những người Pháp đến thăm Thủ đô có lẽ sẽ tranh nhau chụp ảnh bên gốc gạo, nếu họ biết rằng cây gạo uy nghiêm đó gắn với câu chuyện về những người Pháp thế hệ trước.
Trên thế giới không hiếm cây cổ thụ đã được coi như di sản văn hóa, trở thành địa điểm du lịch ưa thích. Ở Pháp, tại Allouville-Bellefosse có một cây sồi đứng vững trước nhiều biến động của lịch sử. Năm 1696, một vị linh mục địa phương đã cho khoét hốc cây để làm nhà nguyện. Một thế kỷ sau, khi Cách mạng nổ ra, những người cách mạng đã định chặt cây để phá cái mà họ gọi là “ổ truyền giáo”, nhưng một thầy giáo trong vùng là Jean-Baptiste Bonheur đã cho đóng tấm biển “Đền thờ của lý trí” lên cây. Những người cách mạng đã rút đi khi thấy tấm biển trùng với lý tưởng của họ.
Ở Đức, có một cây sồi nổi tiếng không kém, gọi là “cây sồi quạ”, tồn tại từ khoảng thế kỷ XIII… Bất kể sự so sánh nào cũng giống như ta cầm trên tay một đôi đũa với chiếc dài chiếc ngắn. Nhưng nhìn ra thế giới để nhận thức lại về cây cổ thụ trong nước. Điều thú vị là ở Thủ đô, tuyệt đại đa số cây cổ thụ không mọc tự nhiên mà được trồng bởi bàn tay con người. Hầu hết cây cổ thụ Hà Nội đều gắn với các di tích lịch sử văn hóa. Khi xây dựng các di tích, các bậc tiền nhân thường trồng cây, gửi vào đó khát vọng về sự trường tồn, về sự vững bền. Càng ngạc nhiên hơn, từ cách đây gần thiên niên kỷ, người xưa đã khéo léo chọn những cây có độ tuổi thọ rất cao để gửi tâm nguyện của mình như: đa, đề, muỗm… Như thế, hầu hết cây cổ thụ ở Hà Nội đều có lịch sử, đều chứa những giá trị nhân văn cha ông ta gửi lại. Không ngoa khi nói rằng, nếu biết kể chuyện, những cụ cây như cụ đa lông ở báo Nhân Dân, những cụ muỗm ở đền Quán Thánh (được trồng cách đây khoảng 300 năm, khi trùng tu đền)… sẽ kể vô khối chuyện về Thăng Long - Hà Nội.
Văn hóa Thăng Long - Hà Nội tiếp xúc với văn hóa Pháp chỉ trong hai phần ba thế kỷ, không dài với lịch sử hơn 10 thế kỷ. Nhưng dấu ấn của người Pháp rất rõ nét. Khi quy hoạch Hà Nội với tư cách thủ phủ của Liên bang Đông Dương, người Pháp đã chú trọng hai yếu tố mặt nước và cây xanh. Những di sản ấy là niềm tự hào cho đến ngày nay. Chẳng mấy người Hà Nội không có những phút lòng thấy xôn xao khi qua phố Phan Đình Phùng. Khi con phố nhuộm vàng bởi lá rụng, người ta trầm tư nghĩ về quá khứ, về sự luân hồi, cái này mất đi, là khởi nguồn của một cái khác; khi những đợt lá non vươn ra, ta lại thấy vị chua chua ở đầu lưỡi khi nhớ lại thời thơ bé… Phố Lò Đúc, những hàng sao đen đứng sừng sững tựa như những người lính gác để người dân có giấc ngủ thanh bình. Thu về, hoa sữa trên phố Nguyễn Du buông niềm thương nhớ với người Hà Nội đi xa… Còn nữa, cuộc đời biết bao con người gắn bó với Công viên Bách thảo, vốn là một vườn sinh vật cảnh thuộc hàng lớn nhất Đông Nam Á, do những nhà khoa học người Pháp xây dựng.
Thật khó trả lời cho câu hỏi, từ bao giờ, những rặng sấu, hàng sao đen đã đi vào tâm hồn người Hà Nội? Chỉ biết rằng, từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, trong ký ức của những lớp thanh niên Hà Nội rời quê, đã không thể thiếu những hàng cây kỷ niệm ấy. Nghĩ đến đây tôi lại thấy ngường ngượng. Chỉ mất mấy chục năm, người Pháp đã để lại dấu ấn về cây xanh cho thủ đô. Chúng ta tiếp quản thủ đô từ năm 1954, hơn nửa thế kỷ trôi qua, dấu ấn chúng ta để lại với màu xanh thủ đô là gì? Có lẽ câu hỏi này còn khó trả lời hơn nữa.
Nhìn lại chặng đường đã qua, để thấy cần lắm, những biện pháp bảo tồn, để công chúng không còn phải phẫn nộ trước những vụ chặt cây vì muốn chiếm thêm vài mét vuông diện tích kinh doanh. Cây xanh là một phần lịch sử của thủ đô yêu dấu. Lịch sử là cái xảy ra hôm qua. Và lịch sử luôn bắt đầu từ hôm nay. Những di sản văn hóa trong tương lai cũng bắt đầu từ hôm nay. Hà Nội đang hối hả xây dựng những khu đô thị mới, khi xây dựng những khu đô thị mới, đừng để thêm một lần lỡ dịp để tạo nên những di sản xanh đầy ý nghĩa cho tương lai./.
Giang Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét