Radio Ngay Nay Online

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Những bậc thang vàng lên tới trời


(TCNN) Đã bao giờ bạn đứng dưới chân một thung lũng ruộng bậc thang cao vời vợi và tự hỏi: Điều gì khiến những người dân tộc Mông với những trang thiết bị hết sức thô sơ, lạc hậu lại có thể tạo ra một bức tranh kỳ vĩ đến vậy? Có nhiều người cho rằng đó là vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo... Nhưng chỉ khi chứng kiến sự cần cù, nhẫn nại, kiên cường vượt qua những cực nhọc, vất vả, thì bạn sẽ tin rằng có một thứ còn mạnh hơn, thôi thúc họ, khiến họ tạo ra những bậc thang bắc lên trời ấy. Đó chỉ có thể là niềm tin vào những giá trị xưa hiện hữu trong tiềm thức bao đời và niềm tin vào tương lai của đồng bào dân tộc nơi đây.
Cho vàng cũng không đổi ruộng
Mù Cang Chải (huyện miền núi Yên Bái) nơi mà chỉ cần nghe tên cũng đủ thấy sự heo hút vào những ngày đầu năm này, đâu đâu cũng thấy người ta nô nức rủ nhau đi làm ruộng. Những thửa ruộng bậc thang sau mùa gặt trơ lại những gốc lúa đang được cày xới để chuẩn bị cho vụ đông xuân. Ẩn hiện dưới những thửa ruộng bậc thang là sắc hồng của những bông đào rừng hoà quyện với sắc màu rực rỡ của những bộ váy áo Mông... làm ấp áp cả một góc trời.
Hờ Chờ Sử (ở xã La Pán Tẩn-huyện Mù Cang Chải) là một người đàn ông trung niên chừng hơn 50 tuổi. Ông cũng là chủ nhân của đám ruộng bậc thang được coi là đẹp nhất xã La Pán Tẩn. Ngày nào cũng vậy, bắt đầu từ lúc con gà trống cất lên tiếng gáy đầu tiên, Hờ Chờ Sử lại cùng cả gia đình bìu ríu nhau lên ruộng, chính là quả đồi ở ngay cạnh nhà. Nhìn thì gần, nhưng để lên được đến tận nơi, phải đi mất hơn 2 tiếng. Tuổi tác không làm cho những nhát cuốc của Hờ Chờ Sử bớt đi sự rắn rỏi và kiên quyết. Vừa làm, ông vừa kể: Ruộng bậc thang của chúng tôi có từ lâu rồi, các cụ để lại. Giờ chúng tôi mở rộng ra thêm để trồng lúa.....
Rồi ông nhớ lại những tháng ngày du canh du cư trước kia, cuộc sống gia đình gặp nhiều khốn đốn. Những đứa con cứ ngày càng xanh xao tiều tuỵ vì thiếu ăn, thất học. Giờ ông bảo: có cho vàng cũng không bỏ những thửa ruộng này đi đâu cả. Vì nó chính là cái bồ thóc của gia đình ông, là sự sung túc, ấm no, là sự đến trường học cái chữ của các con ông...
Như mạch nguồn nước suối cứ tiếp tục chảy mãi không ngừng, chủ nhân của những thửa ruộng bậc thang cứ nối tiếp, thay phiên nhau canh tác từ đời này qua đời khác. Với họ, nó không chỉ là những thửa ruộng đơn thuần làm ra lúa gạo, mà còn là một phần đời sống tâm linh, là vật báu của cả một tộc người truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hờ Chờ Sử kể rằng: trước kia gia đình ông có khoảng 2.000 ha ruộng bậc thang, nhưng từ khi lập gia đình, ruộng được chia cho các con theo thứ bậc trong nhà. Là con thứ, nên Hờ Chờ Sử được 30 bậc ruộng. Ngót 30 năm qua, gia đình ông không ngừng khai hoang, mở ruộng. Đến nay, số thửa ruộng mà gia đình ông sở hữu đã tăng gấp đôi. Nhờ thế mà bồ thóc trong nhà ông lúc nào cũng đầy, những đứa con đều được đến trường, biết cái chữ. Hờ Chờ Sử bảo: làm ruộng bậc thang không khó, cái khó nhất là sự quyết tâm và lòng nhẫn nại: Chôn cột làm điểm mốc, dùng bát nước để hai bên. Bát nước thăng bằng thì tức là bằng nhau. Đầu tiên lấy bát làm vật giữ thăng bằng. Đã có bờ cũ người xưa để lại, cứ làm theo bờ đó. Bờ mới chủ yếu đắp lại cho khỏi thấm nước. Mở được  thửa dưới thẳng là  mốc, ở trên cứ thế mà xếp. So với hồi tôi còn bé, diện tích ruộng bậc thang  giờ đã gấp 3-4 lần.
Cũng giống như Hờ Chờ Sử, Khau Vàng Ly ( bản Hán Tàu Dê-xã Chế Cu Nha) biết khai hoang mở ruộng từ năm mới 15 tuổi. Ông nhớ lại: Hồi nhỏ nghèo lắm, nên phải học bố mẹ cách làm ruộng. Ruộng nhà tôi một nửa là do tôi tự khai hoang. Nếu có nhiều người thì khoảng 1 ngày làm được 1 thửa ngắn, dài thì 2-3 ngày. Tôi cũng không nhớ được giờ nhà có bao nhiêu ruộng nữa, nhiều lắm. Chắc phải hơn 100 thửa. Không chỉ làm cho gia đình, Khau Vàng Ly còn đi mở ruộng thuê cho nhiều xã quanh vùng để có thêm thu nhập trong ngày nông nhàn.
Không có một văn bản nào ghi lại, nhưng mỗi người như ông Ly, ông Sử, dường như đều có những bí quyết của riêng mình, để tạo ra những hình thù ruộng độc đáo, đa dạng khắp các quả đồi Mù Cang Chải.
Niềm tin và những bàn tay tạo dựng di sản
Trên những độ cao gần 2.000 mét- nơi máy móc và có khi cả trâu bò không lên được; bằng những nông cụ thô sơ như dao, cuốc... những người dân tộc Mông nơi đây cứ cần cù tạo nên những khoanh ruộng có khi chỉ vài mét vuông. Cứ thế qua bao đời ruộng nối ruộng, từ đỉnh núi xuống tận chân núi, rất có thể đã vô tình tạo nên những bậc thang kì vĩ ngày nay. Anh Vàng A Páo- thôn Bao Khắt-xã Nậm Khắt cho biết: Làm ruộng bậc thang thì phải vất vả thôi. Mất sức, vất vả, kể cả trời nắng, mưa đều phải đi làm tất. Khó nhất là làm ruộng với làm nương. Ruộng bậc thang thì cũng không khó mấy nhưng trời nắng trời mưa, sáng nào cũng phải đi, không được nghỉ. Không làm thì không được ăn, phải làm mới có ăn.
Cũng vì cái lý có làm mới có ăn mà ngay từ khi 10 tuổi những đứa trẻ Mông đã biết làm ruộng. Những nhát cuốc còn yếu, be bờ còn chưa thẳng, nhưng chúng tỏ ra rất thành thạo. Những đứa trẻ Mông tóc vàng heo vì sương nắng, đôi chân trần rắn chắc, sẵn sàng theo bố mẹ lên nương khi trời chưa tỏ.
Dưới bàn tay cần cù trải qua hàng chục năm, những thửa ruộng bậc thang không chỉ ẩn chứa nhiều thông số về giá trị lịch sử, văn hoá mà còn phản ánh một phương thức canh tác độc đáo của tộc người đã biến tên Mù Cang Chải (tức Làng cây khô) thành đồi ruộng mùa màng tươi xanh sức sống cứ từng bậc, từng bậc vươn cao lên tận bầu trời.
Năm 2007, những  thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải được nhà nước công nhận là di sản cấp quốc gia. Người dân tộc Mông có thêm niềm vui, niềm tự hào. Giàng Chứ Ly - Chủ tịch xã La Pán Tẩn - một trong những xã có ruộng bậc thang đẹp nhất huyện - hồ hởi bảo rằng: Từ khi biết tin, người Mông mừng lắm. Họ bảo nhau gìn giữ ruộng, rừng. Những thửa ruộng bậc thang đang được phủ một màu xanh mới. Màu xanh của niềm tin và hi vọng vào một tương lai tươi sáng.../.
                                                                                          - Hồng Lan-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online