(TCNN) Người Hà Nội vẫn hay bắt gặp bóng dáng một cụ già râu tóc bạc phơ, búi tó củ hành lúc thì trên xe buýt, lúc thì lang thang phố cổ. Cụ bận trang phục quần áo cổ, đeo trên vai một ống da có tua rua. Lần đầu thấy ông, nhiều người nhầm tưởng ông đeo kiếm gỗ đi tập Thái cực quyền. Rồi, người ta được thưởng thức tiếng tiêu của ông khi thì bên bờ hồ Hoàn Kiếm, khi thì tại ngôi đền trên Núi Sưa trong Bách Thảo, lúc lại giữa ngày thơ trong Văn Miếu… Cụ già như ông tiên với tiếng tiêu tao nhã đó là nhà giáo Lê Quang Châu, người đã làm ra ra cây tiêu 11 lỗ của Việt Nam.
Ảnh: Nhà giáo Lê Quang Châu
Cây tiêu 11 lỗ
Nhà giáo Lê Quang Châu vốn trước kia dạy toán, giờ đã nghỉ hưu. Ông được sinh ra và lớn lên trên phố Hàng Gai, Hà Nội. Vì thế, ông được học Piano từ khi mới lên 9 tuổi nhưng cũng được học thổi sáo trúc dân tộc và chơi cả 2 nhạc cụ này điêu luyện. Từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946 bùng nổ, gia đình ông tản cứ về Ý Yên, Nam Định, cậu học sinh Châu ngày đó về học trường Dưỡng Chính, gần núi Suối Ngô Xá. Hàng ngày, cậu bé lên núi Suối (Thanh Nê) ngồi thổi sáo những bản nhạc của nhạc sỹ Văn Cao. Trong suốt những năm tháng tuổi học trò hay sinh viên khoa toán, chàng trai Hà Nội đó không bao giờ vắng mặt trong các buổi biểu diễn văn nghệ.
Được giáo dục bài bản và học hành đến nơi đến chốn, ông được giữ lại làm giảng viên CĐ Sư phạm Hà Nội, rồi lại về dạy toán ở trường Chu Văn An, rồi lại giảng dạy chuyên ngành toán hiện đại và vật lý ở CĐSP Hà Nội. Rồi những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ông lại được cử sang châu Phi làm chuyên gia giúp nước bạn giảng dạy môn toán. Giờ thì ông thành thạo cả 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha. Ngồi tiếp chuyện, được ông kể cho nghe nhiều chuyện về Hà Nội xưa, về những thú chơi tao nhã của người Hà Nội trong những ngày Tết nguyên đán. Rồi đến chuyện cây sáo, cây tiêu, những kỷ niệm về những lần thổi tiêu bên bờ hồ Hoàn Kiếm.
Chơi tiêu nhiều năm, chính ông Lê Quang Châu là người đã cải tiến hay có thể nói là phát minh ra cây tiêu 11 lỗ. Ban đầu, cây tiêu chỉ có 6 lỗ, cụ Châu thấy nó không đủ âm vực để chơi các nhạc phẩm “Suối Mơ”, “Thiên Thai” hay những nhạc phẩm tiền chiến khác. Ông Châu đã cải tiến cây tiêu lên 8 lỗ, 10 lỗ và cuối cùng là 11 lỗ. Kỳ lạ ở chỗ, hai bàn tay người ta chỉ có 10 ngón mà cây tiêu lại những 11 lỗ. Tôi đã trực tiếp được ông Châu làm tặng cây tiêu 11 lỗ và hướng dẫn cách chơi, ngón tay cái của bàn tay trái sẽ phải bịt cùng lúc 2 lỗ và dịch chuyển nốt. Dáng người tầm thước nhưng những ngón tay lại thon dài và khỏe khiến ông Châu bịt các lỗ tiêu dễ dàng và tiếng tiêu nghe trầm hùng như tiếng ngàn xưa vọng lại. Các cụ gọi đó là lấy hơi từ đan điền.
Tiêu dao hành thế
Với cây tiêu 11 lỗ, ông có thể chơi rất nhiều bản nhạc cổ điển của nước ngoài, những bản nhạc tiền chiến. Những nhạc phẩm muôn đời như “Serenade” của Torcelli hoặc Schubert; Tristesse của Chopin; Reverie của Schuman… Khi thấy những người trẻ tuổi yêu thích cây tiêu trúc của Việt Nam, ông say sưa giảng giải về cây tiêu, về cách chọn trúc và cách khoét lỗ sao cho dễ bấm ngón tay. Cây tiêu của cụ Châu do khí hậu nên có vết nứt nhẹ, cụ lấy băng dính giữ phom và trang trí cho cây tiêu khá lạ mắt. Đồng chinh cổ treo ở đầu cây tiêu cùng với 3 hạt cầu tượng trưng cho “Thiên – Địa – Nhân”. Hỏi ra mới biết, cụ Châu còn là người nghiên cứu về Kinh Dịch và hiện đang giảng bộ môn khoa học này cho Trung tâm Unesco Cổ học Phương Đông.
Nhìn vẻ bên ngoài, nhiều người ví cụ Châu như một ẩn sỹ tiêu dao. Nhưng thực ra không phải vậy tuy trông cụ giống một đạo sỹ với mái tóc búi tó củ hành, quần áo cổ truyền nhưng cụ không phải ẩn sỹ. Hàng ngày, các buổi sáng, cụ Châu thường bận cổ trang, đeo tiêu rồi dạo qua các phố phường Hà Nội. Tiếng tiêu của cụ không ẩn, không xa lánh những ồn ào của đời thường. Cụ Châu thường mang tiếng tiêu của mình đến với mọi người, khi thì ở ven hồ Hoàn Kiếm, khi thì ở Bách Thảo, lúc khác lại thấy cụ ở Văn Miếu giữa ngày thơ đông đúc. Nên cụ vẫn bảo cụ không phải ẩn sỹ thổi tiêu mà là lãng tử tiêu dao.
Nhiều lần, ngồi chơi tiêu ở ven hồ Hoàn Kiếm, mỗi du khách dừng chân lắng nghe tiếng tiêu của cụ lại cho cụ một kỷ niệm riêng, một câu chuyện riêng. Mùa hoa Lộc Vừng nở, cụ ngồi dưới cây 9 gốc mà thổi tiêu, nhớ về một người bạn thủa niên thiếu đã ngã xuống ở chiến trường. Lần khác thì một Việt kiều Mỹ đã khóc khi nghe tiếng tiêu của cụ mà cảm thấy cả một tuổi thơ bỗng ùa về không đầy đủ. Rồi có một đôi tình nhân người nước ngoài, cô gái khi nghe tiếng tiêu của cụ đã ví nó như tiếng của “Người cá Sirène”. Đôi tình nhân đứng nghe tiếng tiêu, nói chuyện với nhau nhưng cụ vốn giỏi ngoại ngữ nên hiểu được họ.
Trong ngôi nhà cũ ở ngõ nhỏ trên phố Kim Ngưu, những trang trí trong nhà cụ chỉ là bức Thái cực đồ do tự tay cụ vẽ và những chiếc tiêu, cụ Lê Quang Châu kể những kỷ niệm của cuộc đời, trong đó có những giá trị nhân văn của một người Hà Nội đích thực. Qua những câu chuyện bất tận đó, lớp trẻ hiểu thêm về những gì mà Hà Nội ngày nay không còn hoặc chỉ còn rất ít. Nhưng thú vị nhất ở cụ Châu là tinh thần lạc quan và trí tuệ minh mẫn dù năm nay cụ đã hơn 80 tuổi.
Lê Hồng Quang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét