Radio Ngay Nay Online

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

NGUYỄN ĐĂNG GIÁP- TRUNG VÀ TÍN

                                                        (Ảnh sưu tầm)
NNO - Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp, cái tên ấy mấy năm gần đây đã trở thành quen thuộc trên thị trường xây dựng. Nguyễn Đăng Giáp và công ty 36 (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây lắp và Thương mại 36 thuộc Tổng công ty Thành An, Bộ Quốc phòng) đã trở thành một thương hiệu tin cậy và quen thuộc mà người ta thường gọi  bằng cái tên thân mật “anh Giáp 36”.

Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp, đại tá quân đội, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, người đương thời, doanh nhân năng đông, đột phá, nhạy bén, có mặt ở những công trình xây dựng hóc búa, người biến cái không thể thành có thể... Trước khi gặp anh, tôi đã nghe tên anh và “thương hiệu” công ty 36 như một cứu tinh cho những công trình nan giải. Người ta nhắc đến anh bằng sự trân trọng và cảm phục một con người – một vị giám đốc luôn luôn gần gũi không chỉ với cán bộ công nhân viên của công ty mà cả những người dân nơi có công trình anh làm.

Khi được giao viết bài về anh, tôi đã vào google tìm Nguyễn Đăng Giáp, tôi không thể thống kê hết có bao nhiều bài báo viết về anh, có đến hàng mấy trăm bài báo, sách cũng có đến hàng chục quyển… Tất cả đều viết với tấm lòng cảm phục rất chân thành… Còn riêng tôi khi gặp anh, mới thấy cái “tâm” cái “tầm” cái mà anh gọi là “trung tín” của một doanh nhân, một người lính và một gám đốc Nguyễn Đăng Giáp, đó là cảm nhận của tôi trong lần gặp nói chuyện cùng anh.

Anh không xuất phát từ dòng dõi “trâm anh thế phiệt”, gia đình anh không có truyền thống kinh doanh lâu đời. Anh sinh ra ở vùng đất Đồng Chủ, Nghi Trường, Nghi Lộc - Nghệ An, nơi nổi tiếng với gió Lào và cát trắng. Bố Nguyễn Đăng Cẩn, mẹ Nguyễn Thị Sinh đã “khai sinh” cho dòng tộc họ Nguyễn ấy 8 quý tử, mà Nguyễn Đăng Giáp là người anh cả. Cuộc sống ở đất Nghệ thời ấy có đủ “mo cơm, quả cà” ngày hai bữa đã là một ước mơ cháy bỏng. Anh Giáp cũng không phải là ngoại lệ. Năm 1971, tròn 17 tuổi, ngay sau khi có giấy báo trúng đại học, anh được lệnh nhập ngũ. Đành gác lại ước mơ đèn sách, anh lên đường ra trận. Chiến tranh kết thúc, bom đạn không giết chết anh nhưng đã để lại thương tật vĩnh viễn 27%. Là thương binh 4/4, với quân hàm đại tá, tưởng như thế cũng đã có thể là niềm tự hào của dòng họ, kiêu hãnh về làng, yên tâm vì đã làm tròn bổn phận với đời. Song lúc đó, cấp trên lại trao cho anh một trọng trách khác: Làm giám đốc xí nghiệp 36, thuộc Tổng công ty Thành An Bộ Quốc phòng.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp chèo lái “con thuyền 36” từ chỗ nợ nần 34 tỷ đồng (khi mới nhận chức giám đốc năm 2003), nay Công ty  có tổng tài sản trị giá 2.000 tỷ đồng; từ chỗ tài sản, thiết bị không có gì nay có 347 đầu thiết bị, xe, máy hiện đại nhất Việt Nam; giải quyết đủ việc làm cho gần 2000 cán bộ, công nhân viên quốc phòng và hơn 10.000 người lao động mức lương bình quân 4,3 triệu đồng/tháng; quy mô phát triển gấp 20 lần so với 6 năm về trước. Đặc biệt, đại tá Nguyễn Đăng Giáp áp dụng biện pháp “điều hành trực tuyến” – “chìa khóa vàng” mang lại thành công cho Công ty 36 trong thời gian qua và cũng đã trở thành đề tài khoa học của nhiều người và nhiều doanh nghiệp đến học hỏi mô hình này.

Nối nghiệp anh, các em anh đều bước vào con đường binh nghiệp, từ Nguyễn Đăng Ngọ, Nguyễn Đăng Hiền, Nguyễn Đăng Hùng, Nguyễn Đăng Trung, Nguyễn Đăng Hiếu, Nguyễn Đăng Thuận (Nguyễn Đăng Thọ, anh đã hi sinh ở chiến trường Tây Nam năm 1980). Câu chuyện 5 anh em trên “con tàu 36” chở trên mình hơn 10.000 cán bộ, công nhân viên kỹ thuật đã và đang làm nên vóc dáng người anh hùng – “Thuyền trưởng” Nguyễn Đăng Giáp. Là lính, nhưng anh em họ Nguyễn Đăng đều tốt nghiệp đại học và trên đại học. Làng quê Đồng Chử ấy nay đã có nhiều thay đổi, song nơi ấy vẫn có một dòng họ Nguyễn Đăng lưu giữ truyền thống học hành của dòng tộc, từ cụ Nguyễn Đăng Lương, một người nổi danh trong làng khoa bảng từ năm 18 tuổi đã làm Chánh tổng và là bạn đồng môn với cụ Nguyễn Sinh Sắc, học trò cụ Nguyễn Thức Tự.

Viết về anh, nói về dòng họ Nguyễn Đăng mà anh em anh đang được thừa hưởng anh luôn khẳng định: “Con trai trong dòng tộc Nguyễn Đăng thừa hưởng tính trung thực hay nói đúng hơn là Trung Tín. Còn với phụ nữ là Trinh Thuận. Trai thì trung hiếu làm đầu. Gái thì tiết hạnh là câu răn mình”. Đại tá Nguyễn Đăng Giáp luôn tự hào về dòng họ và quê hương mình. “Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”, đó là câu anh luôn nhắc đi nhắc lại trong cuộc nói chuyện. Và quê hương làng Đồng Chử, Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An lại được ghi danh Đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Anh hùng lao động thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (11/9/2010).

Những gì anh đã và đang xây dựng cho quê hương đất nước, bằng hiệu quả công việc mà thước đo là chất lượng những công trình, đã minh chứng cho trí tuệ, công sức của Anh hùng lao động – Đại tá Nguyễn Đăng Giáp. Đi lên từ một người lính trở thành sĩ quan, làm giám đốc điều hành chỉ đạo hàng ngàn quân trong tay, đấy là sự nghiệp, là tài năng đích thực… Và trong hành trình ấy, hành trang mà anh mang theo là chữ “Tâm” cùng với một tấm lòng “Trung tín” gắn kết lại với chữ “Tài” làm nên một vị thế của người anh hùng. Đúng như anh nói: “Có được những thành công như ngày hôm nay là cả một hành trình chứ không phải là điểm đến…”. Anh vẫn luôn tâm niệm: “Đạt được danh hiệu Anh hùng đã khó nhưng để mọi người ghi nhận danh hiệu Anh hùng trong lòng họ là điều luôn trăn trở, day dứt nhất trong tôi”.

Với ý chí “bàn tay ta làm nên tất cả”, Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã biến những cái không thể thành có thể như: Công trình thủy lợi Môn Sơn - một công trình nguy hiểm vào loại bậc nhất mà Bộ Quốc phòng làm chủ quản đầu tư kể từ trước đến thời điểm 1999, nhưng anh đã dám làm và làm thành công một công trình thuỷ lợi Môn Sơn vĩ đại mà trước đó đã 2 doanh nghiệp làm không thành công; công trình này không những có giá trị về mặt kinh tế, quốc phòng, an ninh, xã hội mà còn là một điểm đến du lịch nổi tiếng của Miền Tây xứ Nghệ. Công trình này cũng để lại một dấu ấn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba. Bên cạnh đó hàng loạt các công trình mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế được trải rộng trên khắp 40 tỉnh, thành và nước bạn Lào…

Chia tay anh sau cuộc nói chuyện cởi mở, cảm nhận anh như một người anh, nên tôi mạnh dạn hỏi: “Điều gì là hạnh phúc với một doanh nhân?”. “Lợi nhuận tuy cần thiết và quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, doanh nhân nhưng hạnh phúc của con người mới là tất cả”, anh chia sẻ! Nói chuyện với anh tôi càng hiểu thêm doanh nghiệp quân đội chính là nơi giữ gìn tiềm lực của Quốc phòng, An ninh, và doanh nghiệp quân đội không chỉ là người lính đi đầu, mà mang trong mình vai trò của hai người lính trên mặt trận Bảo vệ Tổ quốc và trên mặt trận Kinh tế./.

Thanh Phượng
(Tạp chí Ngày Nay)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online