Radio Ngay Nay Online

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Pù Mát, món quà vô giá từ thiên nhiên

NNO - Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) miền Tây Nghệ An trở thành Khu dự trữ sinh quyển Thế giới. Vườn Quốc gia Pù Mát là trung tâm của KDTSQ với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ như chưa hề có bàn tay con người chạm đến: rừng nguyên sinh thượng nguồn Khe Thơi, Thác Khe Kèm, rừng săng lẻ và những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Thái, H'mông, Đan Lai… Tạp chí Ngày Nay giới thiệu đến bạn đọc về Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An nói chung và Vườn Quốc gia Pù Mát nói riêng.


Đường vào bản Thác Kèm. Ảnh: Trường Giang

Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Miền Tây Nghệ An

Khu DTSQ trải dài trên 9 huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An với diện tích 1.303.285 ha (lớn nhất  Đông Nam Á). Trung tâm “xanh” của KDTSQ được liên kết bởi Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Đây là khu vực có đặc tính đa dạng sinh học rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng mưa nhiệt đới phía Bắc dãy Trường Sơn. Mật độ che phủ rừng toàn khu vực trên 70% với nhiều đỉnh núi cao như Pù Xai Lai Leng, Pù Đen Đinh, Pù Mát. Giá trị bảo tồn đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thể hiện ở sự có mặt của 70 loài thực vật và 80 loài động vật được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam. Bà Katherine Muller Marin, Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá: “Đây như là một phòng thí nghiệm sống lớn nhất Đông Nam Á, góp phần quan trọng trong quá trình nghiên cứu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu”.


Sông Giăng. Ảnh: Vườn quốc gia cung cấp

Bênh cạnh đó, KDTSQ còn là nơi sinh sống của 884.000 người thuộc 7 dân tộc: Kinh, Thái, Khơ Mú, Thổ, H'Mông, Đan Lai, Ơ đu (chỉ còn lại khoảng 340 người). Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa đang tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ của khu vực này - địa điểm quan trọng cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa và tiến hành các chương trình phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh Nghệ An.

Nét đặc trưng Pù Mát

Cách thành phố Vinh khoảng 130km, VQG Pù Mát không mấy xa lạ với giới khoa học bởi đây là một trong những nơi đầu tiên phát hiện loài thú quý hiếm và bí ẩn nhất trên thế giới - Sao La. Theo ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc BQL Vườn Quốc gia Pù Mát thì các thiết bị chụp ảnh tự động đã ghi được hình ảnh Sao La tại Khe Pu, Khe Bống từ cách đây hàng chục năm. Bên cạnh đó, Pù Mát còn nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng, điển hình như Mang lớn (Muntiacus vuquangensis); Hổ (Panthera tigris); Voi (Elephas maximus), Bò Tót (Bos gaurus)… Về hệ thống thực vật, VQG Pù Mát có thành phần loài phong phú, trong đó 37 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Một số loài cây thuốc cực kỳ hiếm được phát hiện như Hoàng nàn (Strychnos wallichii), Hoàng đằng (Fibraurea recsa), Ba kích (Morinda officinalis), Bình vôi (Stephania rottunda)… Đặc biệt, quần thể samu dầu ở đầu nguồn Khe Bu (Con Cuông) có một cây samu dầu cổ thụ lớn nhất Việt Nam ước chừng 2.000 năm tuổi, cao trên 70m, đường kính 5,5m, ông Cường cho biết thêm.


Thác Kèm. Ảnh: Trường Giang

Với diện tích vùng lõi rộng 94.804ha và vùng đệm rộng 86.000 ha, trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn của tỉnh Nghệ An, Pù Mát chính là nơi ở của người Thái - dân tộc đã sống ở đây nhiều đời. Họ sinh sống ở hầu hết các thôn bản, trong các nhà sàn bằng gỗ với nghề trồng lúa nước, trồng màu, chăn nuôi gia súc gia cầm, làm mây tre đan và dệt vải truyền thống. Giữ gìn truyền thống lâu đời, người Thái sinh sống tập trung theo dòng họ. Mỗi cộng đồng dân cư có tín ngưỡng và tập tục riêng. Nhảy sạp, uống rượu cần là đặc trưng không thể trộn lẫn trong sinh hoạt thường ngày của người Thái nơi đây. Chiếm số ít là dân tộc Kinh (chủ yếu sống ở thị trấn Con Cuông) và dân tộc Đan Lai. Người Đan Lai sống và canh tác ở những nơi đất dốc, sinh sống nhờ nương rẫy. Họ tập chung tại 3 bản: Cò Phạt, Bản Cồn và Bản Búng thuộc xã Môn Sơn, phía Đông Nam Vườn quốc gia Pù Mát. Để vào bản, du khách bắt buộc phải đi theo thuyền dọc sông Giăng. Con đường độc đạo này tương đối dài, theo cách tính của Phó Giám đốc Trần Xuân Cường thì mất 30 lít dầu cho cả chặng đi và về.

Tiềm năng phát triển du lịch

Theo tiếng Thái, Pù có nghĩa là đỉnh núi, Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực (1.841m) và được đặt tên cho Vườn quốc gia. Mặc dù đỉnh Pù Mát thấp hơn đỉnh Phanxipang (Lào Cai) hơn 1000m nhưng hầu như chưa có khách du lịch nào đủ sức chinh phục. Đỉnh Pù Mát nằm sâu trong VQG, sát khu vực đường biên giới với Lào. Các cán bộ kiểm lâm thường phải mất 4 - 5 ngày đi rừng mới có thể leo lên tới đỉnh. Pù Mát đẹp ở cái hùng vĩ của rừng xanh, ở vẻ nguyên sinh không chút đụng chạm của bàn tay con người. Đến Pù Mát, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khu rừng săng lẻ thuần loài rộng khoảng 100ha tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương. Đây là khu rừng cổ thụ, cao khoảng 50m và tỏa bóng mát quanh năm. Cảnh quan nơi đây được bảo tồn tốt, thật kỳ diệu khi ngắm nhìn những tán lá xanh còn đọng sương sớm hay tiếng chim hót chuyền cành khi bình minh lên giữa đại ngàn săng lẻ.


Múa Lâm Vông bên chum rượu cần của dân tộc Thái. Ảnh: vườn quốc gia cung cấp

Cách thị trấn Con Cuông 20km về phía Nam, thác Kèm hùng vỹ có dòng chảy từ cao độ 1.200m âm thầm lượn qua lòng thung, vách đá, tuôn xuống như những đám mây trắng như bông. Rất nhiều nhà khoa học khi nghiên cứu tại đây đã khẳng định thác Kèm là thác nước gần như nguyên sinh nhất ở Việt Nam. Người Thái gọi thác Kèm là Bổ Bố, nghĩa là dải lụa trắng. Đường vào thác quanh co ôm chặt triền núi. Nam thanh nữ tú thường vào đây để tránh ngọn gió oi ả bên kia biên giới thổi sang. Từ ngã ba cầu Khe Diêm, đi dọc theo đường vào vùng dệt thổ cẩm truyền thống Môn Sơn, Lục Dạ (Con Cuông) khoảng 3km, du khách sẽ gặp suối Mọc. Suối Mọc bất ngờ “mọc” lên từ chân núi, chưa ai nhìn thấy ngọn nguồn. Đặc biệt ở chỗ: dòng suối mát lạnh vào mùa hè và ấp áp vào mùa đông. Nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu để xác định suối nước Mọc (tiếng Thái Là Tà Bó: nhánh, dòng chảy nhỏ) có phải là một nhánh chảy ra từ thác Kèm hay không.

Ngoài hình thức du lịch sinh thái thì VQG Pù Mát còn tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Du khách có thể cùng sống và cảm nhận những nét khác biệt, độc đáo của bà con dân tộc người Thái, Đan Lai dọc sông Giăng; cùng uống rượu cần, múa điệu xòe hoa và khoác lên mình tấm thổ cẩm được dệt khéo léo… Bên cạnh đó, với những lợi thế do thiên nhiên ban tặng thì có thể du lịch mạo hiểm sẽ trở thành hướng đi mới nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Có thể nói Khu dự trữ sinh quyển Thế giới miền Tây Nghệ An là một tổ hợp di sản thiên nhiên, văn hóa đồ sộ. Giá trị của hàng ngàn loài động thực vật hoang dã, quý hiếm cùng nền văn hóa bản địa sâu sắc được UNESCO công nhận đã chứng tỏ một điểm đến mới đầy hấp dẫn và thú vị.

Trường Giang
(Tạp chí Ngày Nay)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online