Radio Ngay Nay Online

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Tiến sĩ "của muôn năm cũ" múa bút bên hè phố

(TCNN) Lẫn trong rất nhiều “ẩn sĩ” cho chữ ở phố “ông đồ” Văn Miếu - Hà Nội, có một ông già mái tóc bạc như sương trong bộ quần áo bà ba bạc màu. Ông đồ ấy miệng giảng nghĩa, tay khua chữ, thi thoảng lại ngửa mặt lên trời ngâm nga vài ba câu thơ cổ, hoặc đôi vần tự tác cao hứng. Ông đồ ấy là một trong “tứ trụ thư gia pháp chữ” - Tiến sĩ Cung Khắc Lược.
 
Ông Tiên xuề xòa nơi đầu phố
Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, những người yêu chữ, trọng chữ lại thấy nghệ nhân thư pháp Cung Khắc Lược ngồi “giao duyên” với đất trời, với con người tại Văn Miếu. Không thể tưởng tượng được rằng cái "chợ chữ" rất riêng của đất Hà Thành này sẽ rất trống vắng nếu không có bóng ông Tiên râu tóc bạc phơ xuề xòa nơi đầu phố này. Những người đến với ông năm này sang năm nọ, không chỉ để xin ông viết cho một chữ trong dịp Xuân mới, mà còn để nghe ông giảng giải về đạo nghĩa, về cuộc sống.
Ở tuổi 75, Tiến sĩ Cung Khắc Lược vẫn lao động miệt mài từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày. Những ngày giáp Tết và đầu Xuân Tân Mão, bất chấp cái lạnh như dao cắt, hằng ngày "cụ" Lược vẫn miệt mài bên chiếc bàn nhỏ cùng giấy, mực… Lúc nào ông đồ Lược cũng say sưa hết mình với những người yêu chữ, dù đó là những em bé vài tuổi, đến những cô cậu thiếu niên du xuân hay những bậc cao niên dừng chân thưởng ngoạn. Người dân thường, từ chàng họa sỹ cho đến chị công nhân đều bày tỏ thái độ kính cẩn ông.
Tiến sĩ Cung Khắc Lược không chỉ trao cho người xin chữ cái thần của chữ mà còn trao cho họ cả ước vọng thường mong. Ông truyền cho người xin chữ cả cái cao siêu, thâm thuý của chữ cổ, truyền cho họ cả con tim khối óc của một ông đồ già hoài cổ.  Trong cái thanh tao hiền triết của ông đồ Lược, người ta vẫn nhìn thấy thẳm sâu trong ông một mối sầu nhân thế, nỗi sầu Bá Nha không tìm được Tử Kỳ, nỗi đợi chờ của ông đồ già 75 tuổi đời vẫn đang miệt mài tìm tri âm.
Tiến sĩ Cung Khắc Lược gợi cho người ta về một nét hiền triết mà hồn hậu. Nhiều người thích gọi ông là “ông đồ”. Từ bao giờ, “ông đồ” đã trở nên cao sang mà thanh lịch lạ thường, đại diện cho cả một nét văn hoá, một tầng lớp trí thức Nho học đã hóa thành tượng trong thơ Vũ Đình Liên:
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Trong cái thanh tao hiền triết của TS.Cung Khắc Lược người ta thấy thẳm sâu trong ông một mối sầu nhân thế. Ông ngồi dựa lưng vào bức tường trường đại học đầu tiên của Việt Nam ngửa mặt lên trời ngâm nghi thơ hoạ. Chai rượu đứng ngả nghiêng trên chiếu viết đợi bạn hiền đi qua. Xuân tàn, ông lại dọn dẹp thư án, lá rơi lất phất trên mái tóc bạc. Giờ đây, số người ít ỏi quan tâm đến Hán học còn lại của thời buổi bận rộn cũng đã quay về với đời sống cơm áo gạo tiền. Dù ở trong số rất ít người tâm đắc với nghệ thuật thư pháp, nhưng TS. Cung Khắc Lược vẫn cảm thấy cuộc sống thật đẹp và hạnh phúc tròn đầy: Tôi chỉ mong có sức khỏe và sống thanh thản để hiểu biết thêm và học hỏi được nhiều ở bà con, trong Nam ngoài Bắc thậm chí bè bạn quốc tế… đó là điều tôi cảm thấy sung sướng nhất. Học được nhiều, tôi thấy đời thêm đẹp và thêm cả thanh xuân, những ngày được ngồi đây bên trường đại học đầu tiên này tôi thấy rất hạnh phúc. Đặc biệt hằng năm những người đến xin chữ rồi đi đều nói rằng đã đạt được  thành quả đúng như chữ cụ viết. Có lẽ các bậc tiên hiền đã cho tôi niềm hạnh phúc như thế - Ông đồ già của đất Kinh Kỳ tâm sự.
Người "tấn sĩ" đưa di sản ra mặt đường
Lúc trò chuyện, khi cao hứng thì ông xưng bác - cháu, lúc ngà ngà lại xưng cậu - tớ, anh - em. Trên chiếu thư của ông đồ Lược có đủ rượu và trà ngon để đãi khách. Ông có cái uyên bác, cái ngông vốn có của con nhà Nho, lại mang thêm sự phá cách đáng quý của người làm công việc sáng tạo, nên chữ của ông có sự độc đáo riêng. Nhà thư pháp Trần Quốc Trí (Phó Chủ nhiệm CLB UNESCO thư pháp) nhận xét về TS. Cung Khắc Lược với sự trân trọng: Cụ Cung Khắc Lược có độ học uyên thâm, chiều sâu, nhưng lại có tính cách rất lãng tử. Chính vì vậy mà khi viết chữ cụ ấy cũng phóng túng và cái đẹp ấy không bị gò bó.
“Đưa di sản ra mặt đường, đó cách làm của tôi để người dân được hưởng di sản không cần vé”, ông đồ Lược tâm niệm như vậy. Trong số “tứ trụ” làng pháp Việt gồm: Hoà – Bách - Nguyện - Lược  (Thanh hằng khê Lê Xuân Hoà, Lỗ công Nguyễn Văn Bách, Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyện, Nam ba cẩm văn Cung Khắc Lược), giờ chỉ còn “anh tấn sĩ” Cung Khắc Lược là mỗi độ xuân về lại ra Văn Miếu đọc thơ, ngạo tuổi với mưa xuân phơi phới bay, mặc nhiên với dòng đời hối hả. 
Cũng trong “tứ trụ thư gia” của Việt Nam, chỉ có đồ Lược là mang học vị Tiến sĩ. Thế nhưng ông lại có cách gọi học vị của mình rất riêng là “Tấn sĩ”, đặc biệt, ông chỉ thích xưng anh em với bất kỳ người nào đến xin chữ. Chính điều này đã làm nên một Cung Khắc Lược minh triết mà dân dã, trẻ trung. Chữ của ông cũng không còn theo nguyên mẫu nào nữa. Ông viết như không viết, không viết mà như viết. Những khuôn thước, bố cục cổ điển bị đẩy ra khỏi trang giấy, chỉ còn những nét hào hoa, tài tử bác học pha lẫn chút ngông nghênh lãng đãng. Thư pháp của ông lộ rõ tinh thần Việt trong từng đường nét lẫn nội dung. Như khách nhờ ông viết chữ Thọ để mừng thọ ông bà, thì ông lại phóng bút thành bốn chữ “đầu bạc răng long” bằng chữ Nôm. Ít người hiểu rằng để có được sự “ngoằn ngèo” ấy, đồ Lược phải thông thạo nhiều loại văn tự như Trung Hoa, Nôm Tày, Nôm Dao của người Việt, để hôm nay, nét chữ của ông biến thành thứ mây trắng lãng đãng trên nền trời xuân in chiếu trên mặt giấy điều: khoẻ khắn, vui tươi, tung tăng đường nét. TS. Cung Khắc Lược quan niệm: “Thư pháp do người Việt viết phải mang hồn Việt. Ở đó, con chữ phải thể hiện tự nhiên nhất, giống như núi sông, tài nguyên của đất nước mình; chứ không phải thứ chữ nắn nót, tỉa tót, lại càng không phải thứ khuôn mẫu sách vở”.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, vốn là con cháu quan Tổng đốc Cung Đình Vận, nên ngay từ khi lên 6 tuổi, Cung Khắc Lược đã được học cách cầm bút lông. Ông nói ban đầu có cảm giác lạ, thấy thích thú rồi sau khi biết đọc biết viết chữ Hán ông thấy mê, rồi ngày nào cũng ham học viết. Mỗi lần viết ông thấy như có lửa trong bàn tay, chữ cứ thế mà uốn lượn tung bay trên trang giấy. Với ông văn hiến Việt Nam trong đó bao gồm cả bút lông và giấy điệp. Những cây bút đã gắn với gia đình ông 4 đời và đó là những cây bút mang giá trị tinh thần to lớn, trở đầy trong đó sự hiếu học và trọng chữ của cha ông./.
                                                                                                                  - Hồng Thu -

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online