Radio Ngay Nay Online

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

CÙNG CON LÀM TỪ THIỆN

(TCNN) “Trẻ em như tờ giấy trắng”, ví von ấy để chỉ cho đầu  óc trắng trong, vô tư, hồn nhiên của trẻ. Từ thuở “nhân chi sơ tính bổn thiện” đến khi thành người là cả một quá trình học hỏi, tiếp thu, huân tập của con người với môi trường xung quanh. Do đó, từ khi còn nhỏ, trẻ rất cần được dạy những điều hay lẽ phải để sống tốt!
                                        (Ảnh các em nhỏ viện K Thanh Trì - Hà Nội)
Cuộc sống  ngày nay không chỉ hướng con trẻ tới những công nghệ hiện đại, những kỹ thuật tân tiến mà còn hướng con trẻ trở thành một công dân toàn cầu với những trách nhiệm biết chia sẻ, xây dựng một thế giới an toàn và hòa bình. Vì vậy, bên cạnh việc trang bị cho con mình những kỹ năng sống cần thiết để thích nghi cuộc sống tốt nhất và chủ động nhất, trẻ nên được định hướng tới các giá trị mang tính nhân văn. Khuyến khích con mình mở rộng tình yêu thương và chia sẻ những khó khăn với những người không quen biết là một trong những cách tạo nên cho trẻ ý thức đồng cảm với những hoàn cảnh thiệt thòi hơn mình và xây dựng ý thức trách nhiệm với cộng đồng sống xung quanh mình.
Cuộc sống ngày nay có quá nhiều những rủi ro, những bất hạnh cần được chia sẻ, những cơn thịnh nộ của thiên nhiên như sóng thần, hiểm họa động đất, lũ lụt … Trong những hiểm họa đó không chỉ người lớn bị ảnh hưởng, mà con trẻ thậm chí còn bị gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn. Hướng con trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng này một cách thường xuyên là bước đầu dạy dỗ con cái về lòng từ thiện, lòng nhân ái giữa con người với con người.
Để hình thành cho trẻ thói quen làm từ thiện, phụ huynh nên giúp con ngay từ những việc làm nhỏ trong gia đình:                    
Tiền lì xì Tết: Thay vì bạn đưa cho con bạn những khoản tiền lớn để con đem nộp cho những quỹ, hội từ thiện, bạn có thể khuyến khích trẻ dùng tiền mừng tuổi của trẻ để tham gia đóng góp vào các dịp làm từ thiện. Điều này sẽ có giá trị và ý nghĩa hơn nhiều vì đây chính là khoản tiền trẻ có được và tích lũy được để dành cho việc làm từ thiện.
Tích cóp đồ của gia đình không còn dùng đến để đem tặng các tổ chức từ thiện nhằm phân phát cho người nghèo: Khi tích cóp đồ để làm việc thiện, bạn nên nhắc nhở và bày cho trẻ thu dọn, chọn lọc những món mình không cần dùng tới nữa, cùng trẻ làm sạch chiếc áo cũ, đồ chơi cũ, sách vở, gói ghém tươm tất để tặng cho trẻ em nghèo hoặc ủng hộ các bạn nhỏ ở vùng sâu vùng xa, vùng bị thiên tai. Bạn có thể cùng trẻ đến những tổ chức thiện nguyện để chính tay trẻ quyên góp vật dụng của mình, giúp trẻ cảm nhận được ý nghĩa của việc mình làm. Việc gói ghém hay tân trang các vật dụng cũ trước khi đem tặng, cũng là một bước bạn tập cho trẻ tôn trọng người được tặng thông qua cách chăm chút cho món quà của mình.
Thường xuyên tham gia vào những hoạt động mang tính phục vụ: Giúp đỡ người già: khuyến khích con bạn giúp đỡ ông bà những việc nhỏ như chăm sóc cây cảnh, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược cùng ông bà, hoặc đọc báo giúp ông bà. Dạy trẻ biết nhưng chỗ cho người cao tuổi nơi công cộng như khi đi cầu thang, thang máy hoặc xe bus, nếu trẻ lớn hơn một chút có thể dạy trẻ dắt người già qua đường.
Giúp đỡ hàng xóm: tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với bạn bè cùng lứa, cùng mang đồ chơi của mình cho các bạn chơi cùng, có thể khuyến khích trẻ tham gia những buổi sinh hoạt chung của khu phố như làm vệ sinh công cộng, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Hiến máu nhân đạo: Nếu bạn có điều kiện tham gia vào hoạt động này, nên mang con theo để chúng lấy bạn làm gương. Nếu bạn không có điều kiện tham gia trực tiếp, có thể nói chuyện với con về mục đích và ý nghĩa của việc làm này.
Lập ra một hộp từ thiện trong gia đình: Khuyến khích con cái chia sẻ tiền quà sáng với người khác bằng cách đóng góp vào hộp từ thiện này. Khi hộp này đầy, cả gia đình cùng quyết định nơi đóng góp. Bạn có thể chọn đóng góp cho một gia đình nghèo, mua sách vở giúp trẻ em mồ côi đến trường hay đóng góp vào một tổ chức từ thiện chống bệnh ung thư...
Hãy tìm hiểu về những hoạt động từ thiện khác nhau trên internet, sách báo và chia sẻ thông tin này với con bạn để giúp chúng đưa ra một quyết định đúng.
Tham gia hoạt động từ thiện thường xuyên: Nên kể cho con những câu chuyện về người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn, chỉ cho con thấy sự vất vả trong cuộc sống của họ và nói chuyện với trẻ về những hoàn cảnh ấy.  Từ đó, khuyến khích trẻ tham gia những chuyến đi mang tính từ thiện. Mỗi chuyến đi ít nhiều đều đọng lại trong lòng con trẻ một ước mơ có mục đích và ý nghĩa hơn cho cộng đồng.
Trẻ học được gì từ làm việc thiện?
Phát triển kỹ năng: Trẻ tự sắp xếp và lựa chọn những món đồ phù hợp để mang đến biếu tặng người khác.
Sống tinh tế: Trẻ sẽ cảm thấy tự hào, người lớn hơn rất nhiều nếu như món đồ của mình làm người nhận thích thú. Từ đó, trẻ sẽ biết quan tâm người khác nhiều hơn.
Tình thương yêu: Quan tâm đến người khác là biểu hiện của lòng nhân ái. Khi trẻ mang những đồng tiền bỏ ống của mình tặng cho một bạn nhỏ mồ côi, hoặc một người già neo đơn, chúng sẽ thấy những đồng tiền ấy tuy nhỏ nhưng có giá trị tinh thần rất lớn.
Biết quản lý “ngân quỹ″: Với cách gợi ý trẻ tự tiết kiệm để tham gia vào những dịp làm việc thiện, trẻ sẽ dần biết quan tâm đến số tiền mẹ cho, từ đó trẻ thấy giá trị và ý nghĩa của tiền bạc theo hướng tích cực.
Khi thực hiện một số hoạt động nêu trên hoặc những ý tưởng khác tương tự, bạn sẽ dạy cho con bạn hiểu rằng lòng từ thiện không chỉ dùng cho các trường hợp khẩn cấp. Bạn sẽ giúp chúng nhận thức được rằng đến với người đang cần sự giúp đỡ là cách sống, chứ không chỉ tại thời điểm khi có thảm họa xảy ra. Hãy nhớ rằng, khi bạn chia sẻ với người khác là bạn đang gửi những thông điệp quan trọng đến với các con của bạn về tinh thần chia sẻ.
Bằng sự quan tâm và gần gũi với trẻ thông qua việc dạy trẻ tặng quà, bạn có thể giúp trẻ hình thành tình thương và sự chia sẻ, hiểu được ý nghĩa thực sự của việc làm từ thiện và làm điều đó với một thái độ tự nguyện và vui vẻ. Bạn nên tránh sự gò ép trẻ theo ý kiến chủ quan của người lớn . Hãy giúp trẻ nuôi dưỡng cảm xúc và hình thành nhân cách tốt, điều đơn giản nhất không ở đâu xa, mà chính trong hành động mỗi ngày./.
Thạc sỹ tâm lý học: Nguyễn Thanh Tú

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online