Radio Ngay Nay Online

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

CỤ RÙA HỒ GƯƠM QUÊ GỐC THĂNG LONG

(TCNN) Cụ Rùa trong hồ Hoàn Kiếm xứng đáng là báu vật Quốc Gia cần được đặc biệt bảo vệ - bảo quản - quản lý cấp quốc gia; và việc làm sáng tỏ mọi giá trị về sinh học, về lịch sử, về văn hoá,… của cụ là những nội dung khoa học vô cùng hấp dẫn và lý thú, song cũng vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhiều cố gắng của hầu hết các nhà khoa học đủ các chuyên nhành, cùng nhau góp sức, nhằm làm sáng tỏ các giá trị mà cụ mang theo trong hành trình hàng năm sáu trăm năm của cụ.
Giáo sư sinh học Hà Đình Đức, vài chục năm nay từng bám sát mọi hành tung của cụ, là người đang nắm trong tay dường như độc quyền các kênh thông tin về cụ, cũng như đang tung ra những nghiên cứu về cụ, mà chưa có phản biện. Hà Đình Đức có lẽ sẽ có những tổng quan về cụ Rùa nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, như một món quà dâng Đại lễ.
Như đã biết, cụ Rùa có nhiều giá trị cần được nhận biết, nhưng vấn đề gốc gác – quê hương của cụ, là một đề tài hấp dẫn; cho đến nay, cũng chỉ mới có Hà Đình Đức nêu ra giả thiết là quê của cụ là ở vùng Thanh Hoá – có thể cùng quê với Lê Lợi và có thể theo vương triều Lê đi di thực ra Thăng Long, cụ cư trú ở Thăng Long mà không chịu đăng ký hộ khẩu dễ chừng đã nửa thiên niên kỷ. Nhiều người nghe chỉ để nghe thôi, tìm tòi lại lịch sử mà làm gì, vì chứng cứ đâu? Đó cũng là suy đoán của giáo sư Hà, biết vậy!
Riêng tôi, tôi có ý kiến mà GS Hà là một tiếp cận, chưa có gì phải tranh cãi hay phản biện ý kiến đó, chờ GS có thêm chứng cớ khoa học thuyết phục cũng chưa muộn và hy vọng GS Hà có thêm nhiều thông tin về quê hương xứ Thanh của cụ.
Không nhằm phản biện lại GS Hà, tôi xin nêu ra một kiến giải khác, rằng quê hương của cụ Rùa Hồ Hoàn Kiếm chính là đất trung tâm Thăng Long xua – nay, tức là khu vực hai quận Ba Đình – Hoàn Kiếm đương đại, quê của cụ ở đây, cụ lớn lên và già nua ở đây, cụ vẫn còn đây với Đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Để làm sáng tỏ kiến giải này, tôi mượn lịch sử 1000 năm Thăng Long chứng minh cho điều đó.
Thăng Long là đất Rùa
Thăng Long xưa nay là đất ruộng, nhiều kênh rạch và ao hồ, là địa bàn của nhiều loài lưỡng cư, trong đó có rùa. Rùa có mặt ở mọi làng quể Thăng Long, không những rùa là một loài vật cung cấp thực phẩm, mà là một loài vật linh, cùng với Long, Ly, Phượng, được xếp vị trí thứ 3 trong tứ linh này, có vị trí tôn vinh trong điều lệ quốc gia và trong tâm thức dân tộc.
Ghi chép về rùa trong sử sách từng được các sử quan chú ý. Chẳng hạn trong sách Việt sử lược (VSL), biên soạn vào thời Trần nói nhiều đến rùa. Mở bộ sách này, từ năm 1062 đến năm 1179 dưới các đời Vua Lý, đếm được 20 lần xuất hiện rùa:
-          Năm 1062. Quận Gia Lâm dâng con rùa 6 mắt 3 chân
-          Năm 1063. Có người dâng con rùa trắng
-          Năm 1075. Rùa xanh mang Hà Đồ hiện lên
-          Năm 1079. Công chúa Thiên Thành dâng con rùa 6 mắt 3 chân
-          Năm 1080. Tháng 4, thầnh quy mang Hà Đồ hiện lên
-          Năm 1086. Tháng riêng, Nguyễn Viễn dâng rùa 6 mắt, ngực có Hà Đồ Lạc Thư
-          Năm 1099. Đồ Phùng Nhật dâng rùa 6 mắt
-          Năm 1111.Có người dâng con rùa trắng
-          Năm 1114. Có người dâng con rùa 6 mắt
-          Năm 1115. Tháng 7 có người dâng rùa vàng
-          Năm 1116. Có người dâng rùa 3 chân 6 mắt
-          Năm 1117. Có người dâng rùa 3 chân 6 mắt, ngực có 2 chữ Thiên Đế
-          Năm 1124. Công chúa Thuỵ Thánh dâng rùa 6 mắt, ngực có 4 chữ: Quốc Thổ An Ninh
-          Năm 1134. Rùa thần xuất hiện, ngực có 4 chữ: Nhất Thiên Vĩnh Thay
-          Năm 1142. Đỗ Anh Vũ dâng rùa trắng
-          Năm 1143. Có người dâng rùa 6 mắt, ngực có 4 chữ: Dĩ hành pháp công.
-          Năm 1150. Có người dâng rùa 6 mắt, ngực có 4 chữ: Vương Vi Nhân Vạn
-          Năm 1166. Xuất hiện rùa 6 mắt, chữ Ngọc vân xanh. Lại có người dâng rùa đỏ 6 mắt, gáy có vân đỏ, bụng có ngũ sắc, đầu cai đuôi cựa. Mùa đông Đại Liên Nguyễn An dâng rùa 6 mắt, ngực có 7 chữ: Thiên tử vạn thế vạn vạn thế.
-          Năm 1177. Có người dâng rùa 6 mắt, gáy có vân son
-          Năm 1179. Có người dâng rùa 3 chân, 6 mắt
Những con rùa kỳ lạ đó được mệnh danh là Rùa thần (Thần quy) được dâng cho Hoàng đế, như những báu vật và tất nhiên chúng được bảo toàn vận mệnh, có thể lúc đầu được sống đâu đó trong thành và về sau sẽ là những báu vật hoang dã trong vùng sông nước của Thăng Long.
Có một sự kiện rất đáng ghi nhớ, vào thời Lý, sau khi xây xong Chùa Một cột, triều đình cấp phát đồng để đúc chuông chùa, chuông đúc xong, vì to và nặng quá không treo lên được, bèn để chuông nằm ngoài đất ruộng, lâu ngày họ hàng nhà rùa vào cư trú trong lòng chuông, người đời gọi là Chuông ruộng rùa (Quy điền chung); Quả chuông nằm mãi ở ruộng từ triều Lý cho đến hết triều Trần, năm 1426, giặc Minh chiếm đóng Đông Quan, bị quân Lê Lợi vây hãm hết đường, bèn phá chuông lấy đồng để đúc vũ khí. Chuông ruộng rùa là một trong tứ đại khí của nước Nam thời Lý - Trần, đoán rằng đến khi bị phá chuông vẫn nằm ở ruộng cũ và vẫn là mái nhà chung của họ hàng nhà rùa sống quanh chùa Một Cột?
Như vậy, cho đến khi Lê Lợi và Triều đình nhà Lê vào tíêp quản Thăng Long (Khi đó là Đông Quan, do quân xâm chiếm đổi Thăng Long là Đông Quan), Có lẽ trong khu vực Thăng Long còn rất nhiều rùa, bởi vì đất ruộng, kênh rạch và rất nhiều hồ nước vẫn còn chiếm một diện tích rất lớn, khoảng 60 – 70% tổng diện tích Thăng Long; là địa bàn cư trú lý tưởng của họ hàng nhà Rùa và đặc biệt rùa là một sinh vật hoàng dã đã biến thành vật linh, thoát khỏi danh mục thực phẩm Vua dâng thực phẩm hàng ngày.
Có thể từ vô vàn cá thế Rùa Thăng Long từ thế kỷ XV, một số các thể có gen di truyền trội đã đến hồ Hoàn Kiếm và vượt quá tứ - ngũ bách niên như cụ Rùa Hoàn Kiếm đương đại được tất cả chúng ta ngưỡng mộ. Cụ xứng đáng là vật linh của giang sơn xã tắc Việt./.
Cẩm Xuyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online