Radio Ngay Nay Online

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

THÁNH GIÓNG” CÂU CHUYỆN BÀI HỌC “DÙNG NGƯỜI”

(TCNN) Câu chuyện Thánh gióng là một huyền thoại của trí thức dân gian, ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tóm tắt câu chuyện là: vào Đời Hùng Vương thứ sáu, ở hương Phù Đổng, Bộ Vũ Ninh có cậu bé ba tuổi đã ra đi chiến trận, đánh tan giặc Ân mang lại thanh bình cho đất nước. Tan giặc, cậu phi ngựa lên trời. Sau đó, cậu được vua và dân làng lập đền thờ cúng tế và suy tôn là “Phù Đổng Thiên Vương”.
Thánh Gióng trong bộ giáp sắt, tay cầm roi sắt, cưỡi ngựa sắt
Câu truyên được kết cấu đơn sơ, ngắn gọn với vài ba chi tiết giản dị và mộc mạc. Xem qua bề mặt, có vẻ như hoang đường và vô tưởng. Những chiến công oanh liệt mà Gióng lập nên cứ tưởng “Ngài là con trời được phái xuống giúp dân”. Nhưng, khi chúng ta dừng lại, lắng nghe thấu đáo, cẩn trọng ngôn ngữ hình tượng của tổ tiên, chúng ta mới thấy được cái tuyệt tác của trí tuệ dân gian. Hồn nước, hồn non từ từ hiện về trong cõi lòng, phản ánh sâu sắc cái lõi sự thật lịch sử, mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha, cùng với những ước vọng tốt đẹp cho con người. Chính cái cốt lõi ấy, đã làm cho câu chuyện Thánh Gióng trở nên rất độc đáo, rất thực tiễn và giàu ý nghĩa sâu xa về bài học dựng nước và giữ nước của dân tộc chúng ta.
Trong bài viết này, từ nội dung câu chuyện, tôi muốn chia sẻ về một góc nhìn khác, nhìn về bài học “dùng người tài giỏi” mà hiện nay chúng ta đang gọi là “sử dụng nhân tài”.
Trí tuệ Văn Lang trong thời quốc sơ ấy đã nhân cách hoá hình tượng cậu bé (Gióng) ba tuổi “không biết nói biết cười, chẳng biết đi, ăn xong nằm ngủ li bì trên chõng”, khi nghe tiếng sứ Nhà Vua rao cầu người tài ra giúp nước, cậu bé liền “giục mẹ ra mời sứ giả vào nhà” để xin được đáp lệnh Vua chỉ với điều kiện “rèn cho ta ngựa sắt cao mười thước, roi sắt dài mười thước, nón sắt rộng ba thước để ta ra trận giết giặc. Vua không phải lo gì”. 
Đứng trước một hoàn cảnh, đất nước đang bị hiểm họa và rất cần người tài giỏi, mà trước mặt sứ giả lại là một cậu bé ba tuổi vừa trước đó chưa biết nói, biết cười, biết đi. Liệu sứ giả có thể tin được không? Nếu là bạn, là tôi, là những “sứ giả” tổ chức hiện nay, liệu chúng ta có dám tin vào lời cậu bé ấy, và can đảm về tâu với thượng cấp rằng có cậu bé “tự kỷ” đòi ra giúp nước? Ấy thế mà sứ giả ở thời Hùng Vương đời thứ 6 đã dám “tin” cậu bé và về tâu với Vua mà không sợ bị phạm tội “khi quân”. Không biết sứ giả lúc đó có được như các nhà “tổ chức và cán bộ” có “đủ đức, đủ tài” của chúng ta hiện nay hay không, mà đã nhìn nhận được tố chất của cậu bé, phát hiện ra bên trong cậu bé “khuyết tật” ấy lại có đủ năng lực làm việc quốc sự để về tâu với Vua. Hay đó chỉ là một niềm tin mơ hồ, do hoàn cảnh bế tắc trong lúc “nước sôi lửa bỏng” không còn ai dám ra trận mà sứ giả nhận bừa cho xong. Đây là việc quốc sự đâu phải chuyện giản đơn chỉ ở một cái làng Phù Đổng (!?)
Câu chuyện đưa chúng ta đến một đỉnh cao trong việc dùng người tài giỏi của tổ tiên ta, đó là lòng tin và sự sáng suốt của sứ giả và nhà vua. Trước hết, là niềm tin của sứ giả, tin vào nhận thức của mình đối với cậu Gióng và tin vào những tố chất của cậu Gióng, nên đã có đủ lý lẽ “giải trình”, “thuyết phục” được nhà vua tin vào sứ giả, tin vào lời của cậu bé “khuyết tật” ấy. Thứ hai, là lòng tin và sự anh minh sáng suốt của Nhà Vua. Nhà Vua tin vào sứ giả, tin vào khả năng của thần dân trăm họ nên đã có các quyết định sáng suốt của mình. “Vua ban lệnh cho nhân dân thu gom sắt thép, huy động tất cả thợ rèn giỏi nhất trong các làng xã đúc ngựa sắt, giáp sắt, nón sắt và roi sắt” đáp ứng những đề nghị cần và đủ của Gióng. Đồng thời, “ Vua còn ban lệnh cho dân làng nuôi dưỡng, giúp đỡ chàng trai gạo cà, trâu, rượu, hoa quả, vải mặc… ”   
Điều độc đáo ấy đã làm cho câu chuyện rất hoàn hảo. Muốn có người hiền tài thì phải biết trọng dụng, nuôi dưỡng, dẫu là người đó có được từ trên trời đầu thai xuống. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, nếu không có một Đức Vua anh minh, sáng suốt và một sứ giả niêm khiết, trung thần, tài giỏi, không có một bà mẹ Phù Đổng và nhân dân xa gần của nước Văn Lang – Đại Việt tin tưởng, cho ăn, cho mặc, cho ngựa, cho gươm; không được nuôi dưỡng, cư sử, đối đãi như một thần dân của nước trời; không được lắng nghe, kính trọng, giao trách nhiệm, thì Gióng sẽ suốt đời chỉ là một đứa bé khuyết tật, không biết đi, không biết nói biết cười mà thôi.
Gác lại cái bề mặt có vẻ hoang đường, chúng ta đã thấy được cái cốt lõi của lịch sử mà cha ông chúng để lại. Nhờ được tin tưởng thương yêu, nhờ được cư xử, đối đãi như một con người quan trọng, có giá trị; nhờ đươc nuôi dưỡng giúp đỡ, cho ăn mỗi bữa “bảy nong cơm ba nong cà, uống một hơi nước cạn đà khúc sông”; và nhờ có khí thiêng sông núi, hồn thiêng dân tộc, cậu bé ấy mới trở thành một “chàng trai khổng lồ”, ý thức được mình là người có giá trị, đồng thời có trách nhiệm với đất nước, tổ tiên.
Sở dĩ Thánh Gióng đã thành công một cách nhanh chóng và dễ dàng, còn ở chỗ Gióng không “đơn phương độc mã” chiến đấu một mình với giặc. “Sau Gióng là quan quân, người làng chạy theo giúp sức”, tạo nên sức mạnh tổng hợp của một cuộc “chiến tranh nhân dân” không khoan nhượng trước kẻ thù xâm lược. Câu chuyện là một tuyệt tác phản ánh rất cơ bản truyền thống đánh giặc của dân tộc ta.
Ở một điểm quan trọng khác, dù chỉ là ngắn gọn trong vài ba dòng kể của đoạn kết nhưng đã thể hiện sâu sắc những đặc điểm nổi bật nhất của người hiền tài khi được trọng dụng, đó là lòng dũng cảm, sức sáng tạo và không màng danh lợi. Hình ảnh “roi sắt gẫy cậu nhổ gốc tre mà vụt cho đến khi tướng giặc Thạch Linh bị giết, tàn quân Ân chạy đến núi Châu Sơn và tan giã hết”. Sau khi thắng giặc, chàng trai làng Phù Đổng tức khắc “quay ngựa về núi Sóc Sơn, cởi nón áo để lại gốc cây, rồi phi ngựa bay thẳng lên trời” là một hình ảnh tuyệt đẹp của người trí thức Văn Lang, đã làm nên truyền thuyết anh hùng Thánh Gióng - bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam trong thuở đầu dựng nước.
Ghi ơn công lao của Gióng, “Vua sai dân làng sửa sang vườn nhà, lập đền thờ cúng tế muôn đời và suy tôn Gióng là Phù Đổng Thiên Vương, dân gian gọi Ngài là Thánh Gióng”. Đây là nghĩa cử cao đẹp của tổ tiên, của Vua - Dân đối với người hiền tài, làm cho câu chuyện kết thúc rất “có hậu” phản ánh đúng bản chất nhân văn của dân tộc Việt Nam và còn nguyên giá trị cho đến tận hôm nay, cũng như mãi mãi về sau.
Với một thái độ khiêm cung, lắng nghe, học hỏi và tìm kiếm, chúng ta có thể rút ra từ trang huyền sử này bài học hay nhất, hoàn chỉnh nhất, tuyệt đẹp nhất về việc “sử dụng nhân tài”. Thiết nghĩ, trong chúng ta ngày nay, nhất là những nhà lãnh đạo và những “sứ giả” làm công tác tổ chức và cán bộ cũng nên suy ngẫm. Thánh Gióng không phải là ai xa lạ, mà là mỗi con người Văn Lang - Việt Nam yêu nước, luôn hiện diện trong đời sống xã hội, nhất là mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, hay mỗi khi dân tộc có hiểm họa nội xâm. Vì khát vọng độc lập, cả dân tộc Văn Lang đã vươn mình đứng dậy, tạo nên một “Phù Đổng Thiên Vương”. Ước vọng này trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam./.
TS. Nguyễn Thành Vinh
Phó Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online