Radio Ngay Nay Online

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

LỖ THỦNG VĂN HÓA

                                              (Ảnh Unesco)
NNO - Chưa bao giờ trên đất nước Việt Nam này, đồng tiền lại được suy tôn, và có một sức mạnh chi phối xã hội đến như vậy. “Tiền là tiên là Phật” được dân gian hát thành vè cách đây gần hai chục năm. Người ta kiếm tiền, moi tiền, làm tiền khắp mọi nơi, mọi lúc, mọi tầng lớp bằng mọi giá, mọi thủ đoạn và để đạt mục đích thì người ta bất chấp lương tri, đạo lý, nhân phẩm, thể điện... Cái đích cao nhất, trên hết, tối thượng và cấp bách nhất là có thật nhiều tiền...

Để có việc làm, tiền. Lên chức, tiền. Chữa bệnh, tiền. Học hành, tiền. Đi lại, tiền... Tối thiểu nhất là được làm người, một người bình thường, cũng phải tiền. Không tiền trở thành kẻ ất ơ như cọng cỏ. Không có tiền là không có gì cả, không là gì cả. Không tiền, cấp cứu cũng nằm đấy. Vì sao vậy? Vì tất cả đều được thị trường hóa, một nền thị trường bất cập, nội hàm không xác định. Vì cơ chế xã hội đã đẩy mọi người vào cái thế hiểm ấy, vào cái sóng thần khát tiền ấy, không ai cưỡng lại được. Mọi người đều bị cuốn vào dòng thác ấy. Người nông dân năm nắng mười mưa nhưng thu hoạch cuối năm không đủ nộp các quĩ do thể chế định ra, chưa nói đến cần tiền chữa bệnh, hiếu hỷ hoặc nuôi con ăn học xa. Công nhân viên chức làm ăn bình thường thu nhập sẽ không đủ bù đắp chi phí sống. Mà cuộc sống của con người còn bao nhiêu nhu cầu khác mới có thể gọi là cuộc sống. Cái khoản thiếu hụt ấy của cuộc sống người dân bình thường phải tìm cách bù đắp cho bằng được mới có thể gọi là tồn tại. Thế mà cái khoản thiếu hụt ấy ngày càng lớn, càng nhiều vì tăng giá, phúc lợi giảm, thuế và lệ phí, phí ngày càng đặt ra nhiều. Đó là những thuế và phí đã thành văn, còn những phí không thành văn thì khủng khiếp hơn nhiều. Không nơi nào là không đòi tiền. Người ta nghĩ ra nhiều thủ đoạn để dân phải chờ đợi, gây rắc rối để người dân phải đi đi lại lại tốn công sức thời gian, buộc người dân phải xì tiền ra. 

Cơn khát tiền càng nóng bỏng. Nó gây ra sự bức bách hàng ngày, một tâm lý bất an trong mọi tầng lớp, thị dân cũng như nông dân. Muốn sống được an toàn phải có tiền, cho nên mọi người, mọi tầng lớp đua nhau nghĩ ra cách kiếm tiền. Người có quyền thì tham nhũng, doanh nhân doanh nghiệp thì gian lận thương mại, trốn thuế, hàng giả hàng lậu, người dân bình thường thì việc khổ mấy cũng làm, kể cả nguy hiểm đến tính mạng như đào vàng, vào rừng tìm trầm, buôn thuốc phiện, vân vân... Khi một xã hội khát tiền thì cái sự khát tiền ấy dâng lên như sóng thần, lôi cuốn tất cả, khi ấy lương tâm, lòng nhân ái, tình đồng loại phải lùi về phía sau. Đồng tiền được tôn sùng, người giàu được tôn sùng mà không có phanh hãm, không có gì đối trọng thì bạo lực nổi lên. Cháu giết bà nội để lấy 200 ngàn, trên thế giới không nơi nào có. Giết người bằng cắt khúc trên thế giới chắc cũng ít có. Những vụ án bạo lực rất kỳ lạ.

Ý thức phương Đông vốn không tôn sùng vật chất lắm, Việt Nam cũng vậy. Cha ông ta thường có lý tưởng “thanh bần lạc đạo”, “đói cho sạch, rách cho thơm”, ta đã nhầm là tổ tiên ta bằng lòng với cái sự nghèo, không phải, cha ông ta muốn cảnh tỉnh hay “phanh” cái tâm lý ham hố giàu có, sợ dân tộc này tôn sùng vật chất quá, coi tiền cao hơn danh dự, lương tri, đạo lý, tổ quốc, làm giàu bất chấp thủ đoạn. Trong các chuyện cổ tích, bao giờ dân gian cũng chế diễu, đả kích tính tham lam của phú ông, đó không phải vì người xưa đã có tính giai cấp mà là sự cân bằng. Bàn thờ thần Tài không để trên cao hoặc trên bàn thờ tổ tiên mà là để dưới đất, có nơi còn để ở chỗ đống rác, còn bàn thờ tổ tiên đặt cao, trang trọng. Thờ thần Tài để phát tài, phát lộc, để giàu có vinh hoa phú quí, sao không đặt cao như thờ tổ tiên? Đây là cái cơ chế để vận hành xã hội của người xưa, cái triết lý của người xưa. Con người vốn tham vật chất, anh nào cũng muốn giàu có, đã giàu còn muốn giàu thêm, con người vốn rất biết sức mạnh của đồng tiền, nếu được thể chế và dư luận xã hội kích thích nữa thì nó sẽ thành dòng thác kim tiền. Cho nên người xưa có những chuyện cổ tích, những tư tưởng “thanh bần lạc đạo” và cái sự đặt bàn thờ thần Tài dưới đất là một triết lý xã hội đóng vai trò như cái chốt hãm, như cái phanh để giữ cho xã hội cân bằng giữa tiền bạc và đạo đức.  

Đất nước ta vừa trải qua một cuộc chiến tranh dài đầy khó khăn, lại qua thời hậu chiến còn khó khăn hơn, việc cấm dân giàu vừa được bãi bỏ thì liền ồ ạt kích thích sự giàu có, dư luận tôn vinh người giàu một cách quá đáng. Kết quả là Việt Nam hiện có số lượng người giàu đứng thứ ba châu Á, sau Trung quốc và Ấn độ. Cùng với việc sùng bái vật chất, những phúc lợi xã hội bị cắt giảm, sưu thuế đặt ra càng nhiều làm cho cơn khát tiền trong xã hội dâng lên như sóng thần. Trong khi ấy chúng ta không có chốt hãm, chúng ta nghiêng hẳn về một phía sùng bái tiền bạc, sự giàu có mà quên mất đạo dức, lương tri, tổ quốc, danh dự, nhân phẩm còn đáng sùng bái hơn. Gần đây chúng ta mới có những vụ tổ chức quyên góp ủng hộ người nghèo hoặc bị thiên tai nhưng trong đó đã lộ sự đầu cơ gian lận, lợi dụng lòng thiện, kết quả chỉ làm đau lòng thêm. Dù sao đám cháy kim tiền cũng đã bùng phát nhiều năm rồi mà đám cháy nào dù có dập được thì cũng để lại một đống tro tàn.

Thế mới biết các cụ ngày xưa minh triết lắm nên biết điều chỉnh. Thế giới cũng rất biết điều chỉnh nên mới có một Bill Gate hay một cậu bé Nhật bản như vậy. Nếu xã hội tôn sùng đạo đức thì xã hội ấy không giàu nhưng nhân văn. Nếu suy tôn đồng tiền và các đại gia mà hạ thấp đạo đức, lương tri thì xã hội ấy giàu nhưng nhiều bạo lực và tội ác./.
Trần Huy Quang
(Tạp chí Ngày Nay)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online