Ngày càng có nhiều người chịu ảnh hưởng từ động đất, lốc xoáy, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác, trong đó trẻ em là đối tượng chịu tác hại nhiều nhất. Đó là bởi trẻ khó thích ứng với những biến cố bất ngờ, đau đớn xảy đến với cuộc sống thường nhật.
Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai là ngày để nâng cao nhận thức cho mọi người về cách thức giảm thiểu rủi ro thiên tai. Chủ đề trong năm 2011 là hướng tới trẻ em và thanh thiếu niên!
Trường học an toàn và việc học không bị gián đoạn
Giáo dục là chủ đề thường gặp nhất và cũng là vấn đề ưu tiên hàng đầu của tất cả trẻ em khi tham gia khảo sát. Các em muốn tiếp cận tới các thông tin và chương trình đào tạo Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, môn Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thay đổi khí hậu được đưa vào trong chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, trường học phải an toàn và xây dựng trên khu đất cao. Các em cũng muốn các dụng cụ học tập được bảo vệ và chơi ở các khu vực an toàn dành sẵn từ trước khi có thảm họa, để cuộc sống của chúng ít bị đảo lộn nhất có thể. Nếu không có các khu này, trẻ em sẽ bị cấm đi lại và bị nhốt trong nhà hoặc chơi trong môi trường không an toàn như bãi rác hoặc vũng nước lũ sót lại.
Bảo vệ trẻ em là vấn đề ưu tiên trước, trong và sau thảm họa
Các cuộc hội đàm chỉ ra một số vấn đề ảnh hưởng sâu sắc tới an toàn và sức khỏe của trẻ. Sau khi thảm họa, các em muốn được bảo vệ khỏi các hành vi, tập tục và tâm trạng xấu. Nhất là khi buộc phải rời khỏi nhà, trẻ cảm thấy mất tự tin, lo lắng và bất an. Một bé ở Môzambíc nói: “Khi lũ đến chúng con phải rời khỏi nhà tới đây. Chúng con sống trong lều bạt và thấy không an toàn”. Tình trạng buôn bán trẻ em, sử dụng lao động trẻ em và trẻ bỏ học cũng tăng lên sau thảm họa. Rõ ràng, sức khỏe tâm lý cũng như an toàn thân thể trẻ bị ảnh hưởng thường xuyên bởi thiên tai và khi đó các “kênh” bảo vệ trẻ em thông thường là không đủ để bảo vệ trẻ.
Trẻ em có quyền tham gia và tiếp cận những thông tin cần thiết
Trẻ em đã chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào các biện pháp khắc phục rủi ro thiên tai và thay đổi khí hậu – các em muốn giúp phổ biến các thông điệp quan trọng và bảo vệ cộng đồng cũng như chính các em.
Tuy nhiên chỉ có một số trẻ biết tới các biện pháp phòng ngừa thảm họa qua sóng phát thanh, họp dân cư và kiểm tra trường học, trong khi phần lớn trẻ gần như không có bất cứ thông tin nào liên quan đến các thảm họa. Trẻ mong mỏi và cần giúp đỡ nâng cao nhận thức để luôn chuẩn bị sẵn sàng khi có thảm họa. Thay vì để trẻ cảm thấy “Người lớn không chịu nghe lời chúng con” (một em nhỏ từ Môzămbích), các em cần có cơ hội như những công dân thực thụ, có quyền đóng góp và tham gia vào các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong cộng đồng của mình.
Cơ sở hạ tầng phải an toàn, các biện pháp cứu trợ và tái xây dựng phải giúp giảm các nguy hiểm trong tương lai
Khi các cơ sở hạ tầng trong khu vực liên tục bị xuống cấp, trẻ dễ bị ảnh hưởng. Ví dụ như nếu được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi có thảm họa, các em sẽ giảm bệnh tật mắc phải. Chính vì vậy các bệnh viện và trung tâm y tế an toàn rất quan trọng. Quan trọng không kém là việc sửa chữa, nâng cấp những con đường và cầu hư hỏng sau thảm họa giúp trẻ em tiếp tục đi lại, vì khi chúng bị hư hỏng, trẻ không thể đến trường an toàn và buộc phải ở nhà. Trong cuộc khảo sát, các em nhỏ cũng chỉ ra một loạt các dịch vụ bị cắt và dù có nỗ lực tái thiết cũng không đủ để đưa về tình trạng sử dụng được. Các em biết rõ cần phải làm sạch và chăm sóc môi trường vì khi môi trường bẩn và không an toàn, tác hại sẽ là rất lớn. Cuối cùng, các em hiểu nghề nghiệp an toàn giúp chúng mãi là con trẻ - một em bé Kenya nói “Nước đập có thể dùng để tưới tiêu và giúp chúng em có lương thực và được học hành tốt hơn”.
Giảm nhẹ rủi ro thiên tai phải tới được những người thiệt thòi nhất
Trẻ em nhận ra rằng thảm họa tác hại đến mỗi người khác nhau. Có một số người thiệt thòi hơn cần được quan tâm đặc biệt, tuy nhiên những nhóm đó thường bị bỏ quên và cô lập. Trẻ chỉ ra một loạt các yếu tố như khuyết tật, tuổi tác, địa vị xã hội và khoảng cách (đặc biệt đối với các khu dân cư sống ở nơi hẻo lánh). Một bé ở Philippin nói “Với con, có sự khác biệt lớn vì các bạn khuyết tật không được chăm sóc tử tế hay được tiếp cận các thông tin cần thiết do các bạn ấy không được để ý chỉ vì do tàn tật”. Các em nhỏ nhận thấy rằng trẻ mồ côi và trẻ dưới năm tuổi cần được chú ý đặc biệt.
Kết
Mục tiêu của ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay là nâng cao nhận thức của việc cần phải lấy trẻ em làm trung tâm trong chương trình “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.Ngoài ra, các chính phủ, các nhà tài trợ và các cơ quan có liên quan cần có cam kết mạnh mẽ hơn, thực hiện các bước đi thích hợp để bảo vệ trẻ em cũng như sử dụng các kiến thức và năng lực của mình để tham gia các họat động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích nghi với biến đổi khí hậu./.(Tạp chí Ngày Nay số 10)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét