(Ảnh sưu tầm mang tính minh họa)
NNO - Những sang chấn tâm lý của trẻ trong gia đình sau ly hôn: Vấn đề ly hôn có ảnh hưởng tâm lý đối với trẻ em như thế nào? Những cuộc nghiên cứu về các vấn đề này đã ghi nhận rằng: các khó khăn về tâm lý của trẻ tự nó sẽ dịu đi sau thời gian từ 3-5 năm chỉ khi chúng được chuẩn bị tâm lý thật sự tốt. Một khoảng thời gian không hề ít ỏi cho sự phát triển với một đứa trẻ. Theo nghiên cứu, những khó khăn về tâm lý của trẻ đó là cảm giác về sự bất an, bị bỏ rơi, mối lo sợ lớn lao và những mặc cảm tội lỗi. Đứa trẻ tự kết tội mình có phần nào trách nhiệm về sự chia ly của cha mẹ. Sự buồn bã, sự suy nhược, sự cách ly, mất ngủ, những cơn ác mộng và những nỗi sợ hãi ám ảnh bóng tối… đều có khả năng chế ngự đời sống tinh thần đứa trẻ. Những xáo trộn của tính tình được ghi nhận như sự mất cân bằng, những cơn giận dữ, sự xung đột cao độ dẫn đến những nguy cơ để trẻ bị trầm cảm, rối nhiễu tâm lý, tăng động, tâm thần, thậm chí có hành động tự sát. Đôi khi, đứa trẻ chuyển sự thô bạo trong gia đình sang những mối quan hệ xã hội. Thậm chí, đến lứa tuổi trưởng thành, những trẻ này có nguy cơ tham gia vào các tệ nạn xã hội, rồi dẫn đến vi phạm luật cao hơn trẻ trong gia đình hòa thuận. Trong những trường hợp khác, chúng chọn trái độ của một người lớn trưởng thành sớm, chúng đảm nhận nhưng không biết chơi với những người cùng thời với chúng dẫn đến việc sống khép kín, đứa trẻ vượt quá giai đoạn phát triển của mình và đạt được một sự tự chủ lớn trước tuổi. Một điều nữa, niềm tin của trẻ sống trong gia đình có xung đột vào cuộc sống thấp hơn rất nhiều và thường trẻ sống trong những gia đình như vậy sẽ có cái nhìn sai lệch về biểu tượng gia đình. Chính vì vậy, đó là lý do vì sao gia đình riêng của những đứa trẻ này tiếp tục sa vào “vết xe đổ” của bố mẹ chúng.
Tuy nhiên, những con số điều tra về những trẻ em có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn (ly hôn trong sự hòa bình) cho một tỷ lệ đáng ngạc nhiên. Tỷ lệ trẻ thành đạt trong cuộc sống khi trưởng thành khá cao. Chúng khá tự tin trong cuộc sống sau này và mạnh mẽ hơn để đối mặt với những khó khăn, có khi còn tỏ rõ sự thích nghi với những thay đổi hơn những đứa trẻ sống trong gia đình yên ấm.
Những điều đó để nói lên rằng, ly hôn không phải là một giải pháp tệ đối với hạnh phúc hôn nhân không còn, nhưng làm sao để ly hôn của người lớn là một sự trải nghiệm tích cực đối với trẻ, cha mẹ cần chuẩn bị hành trang cho con mình. Điều cần thiết là cha mẹ phải biết cách chuẩn bị, giúp đỡ và bảo vệ cho con cái ít bị chấn thương tinh thần nhất trong hoàn cảnh này.
Trò chuyện thẳng thắn với con về hạnh phúc
Có thể tùy tình hình thực tế bạn sẽ tìm cách nói chuyện với trẻ có cả bố và mẹ, hoặc nói chuyện riêng với bố và nói chuyện riêng với mẹ, nhưng điều tốt nhất trong cuộc nói chuyện đầu tiên có cả hai. Cần phải khẳng định một cách chắc chắn rằng con được sinh ra bởi tình yêu thương và sự mong đợi của cả hai bố mẹ, sự ra đời của con là niềm hạnh phúc vô bờ đối với bố mẹ và con cái là điều có ý nghĩa nhất và hạnh phúc nhất của bố mẹ. Sự khẳng định này giúp trẻ tự tin vào sự có mặt của chúng sau khi bố mẹ chúng không còn sống cùng với nhau nữa.
Khi bạn quyết định chia tay mới chỉ là một nửa con đường đi, nửa con đường đi đến việc thực hiện bạn cần đưa đứa trẻ vào để chúng có thời gian chuẩn bị sức khỏe tinh thần cho mình. Đây là một quá trình chứ không phải chỉ một vài buổi nói chuyện là ổn. Chỉ đến khi nào bạn thật sự tự tin rằng con bạn đã hiểu và chấp nhận quyết định chia tay của bố mẹ bạn mới hành động.
Qua những buổi tâm sự, trò chuyện tình cảm giữa cha- con, mẹ- con về hạnh phúc là gì, thế nào là hạnh phúc của mỗi người, thế nào là đem lại hạnh phúc cho người khác để trẻ hiểu việc đi tìm hạnh phúc riêng của mỗi người không phải là ích kỷ và đó là điều hợp lý nhất. Bạn đừng lo ngại rằng trẻ còn quá nhỏ để bạn chuyện trò những chuyện nghe to tát, chúng lớn và biết suy nghĩ hơn người lớn chúng ta tưởng.
Giải đáp những băn khoăn của trẻ về cuộc sống mới
Sau khi bố mẹ chia tay, cuộc sống sẽ hoàn toàn mới mẻ cả với người lớn vì vậy đối với con trẻ điều đó còn bỡ ngỡ và xa lạ hơn. Giải thích cho trẻ hiểu về cuộc sống mới sẽ diễn ra với rất nhiều thay đổi, trẻ sẽ đặt ra những câu hỏi và bạn sẽ cùng với trả lời các câu hỏi đó một cách thẳng thắn và trung thật nhất với sự yêu thương.
Một số câu hỏi bạn cần chuẩn bị trước để trả lời trẻ: Con sẽ ở đâu khi bố mẹ không ở cùng nhà nữa? Con được gặp bố (mẹ) khi nào? Con có phải chuyển trường khác không?… Bạn cũng khẳng định với trẻ chỉ thay đổi việc bố mẹ không còn sống cùng một nhà nữa, còn tất cả tình yêu thương dành cho con vẫn không có gì thay đổi và bố mẹ vẫn luôn sẵn sàng làm những điều tốt đẹp nhất cho con.
Chuẩn bị tâm lý vững vàng cho chính bản thân mình
Khi chuẩn bị tâm lý cho con trẻ tức là bố mẹ cũng cần phải tự tin vào những cảm xúc của bản thân và của con mình. Để giữ không khí hòa bình giữa bố mẹ là điều cần thiết, cả hai phải dẹp bỏ hoàn toàn những cảm giác trách móc, oán giận thậm chí đôi khi là cảm xúc hận thù để thật sự làm bạn với nhau cùng nhau hỗ trợ và bảo vệ con cái trong giai đoạn này. Những nói xấu nhau trước con cái sẽ càng khiến con cảm thấy hoang mang về những người mà chúng rất mực tin tưởng và yêu thương. Nếu còn cảm thấy những cảm xúc tiêu cực về người kia, bạn có thể tìm đến đối tượng khác để chia sẻ như bạn bè tin cậy hoặc nhà tâm lý… tuyệt nhiên không được trút lên con cái, điều này sẽ giúp con cái giữ được hình ảnh trọn vẹn về cả bố và mẹ mình.
Chuẩn bị tâm lý khi ra tòa ly hôn
Đây là thời điểm rất khắc nghiệt của bạn, nó sẽ chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn mới, giai đoạn cũ sẽ bị đập tan bằng một bước ngoặt lịch sử, bản thân bạn và người bạn đời cũng sẽ phải chịu những tổn thương và hụt hẫng. Đối với người lớn như vậy, đối với con trẻ còn nặng nề hơn rất nhiều. Bạn và người bạn đời nên chuẩn bị một kế hoạch “hoàn hảo” cho bước ngoặt này cho bạn và con trẻ. Nếu có thể, điều tốt nhất sau khi rời khỏi tòa không nên “đường ai người nấy đi”, các bạn nên dành trọn vẹn cả ngày hôm đó cho nhau bằng việc cùng đưa con đi công viên chơi, có thể tạo niềm vui cho trẻ bằng việc đặt một bữa ăn tối tại nhà hàng mà con trẻ rất yêu thích… Những điều này sẽ giúp con trẻ không bị ám ảnh về thời điểm mà bố mẹ chúng chia tay.
Giai đoạn đầu sau ly hôn
Bạn hãy giúp trẻ làm quen với giai đoạn “quá độ” này một cách thoải mái nhất. Trẻ con rất nhạy cảm đôi khi chúng rất nhớ bố (mẹ) sống xa chúng nhưng vì e ngại làm bạn (người sống cùng trẻ) buồn nên có thể chúng sẽ từ chối những lần đi chơi cùng bố (hoặc mẹ). Hãy giúp trẻ thật sự tin tưởng rằng bạn luôn mong muốn trẻ được vui vẻ với bố (mẹ) và chủ động khuyến khích trẻ gọi điện hỏi thăm hoặc đi chơi cùng bố (mẹ). Ở một góc độ nào đó bạn nên ủng hộ và tôn trọng những lời khuyên bảo của đối phương. Khi bố (mẹ) đến chơi, người lớn cố gắng tạo bầu không khí hòa nhã, cởi mở để trẻ vẫn cảm nhận được tình cảm chung của những người đã sinh ra mình.
Lý trí và thật chân thành trong giai đoạn bão tố của cuộc đời bạn và của cả con bạn sẽ giúp cho đứa trẻ vượt qua những mặc cảm, những đổ vỡ nhanh hơn, vững vàng hơn trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Trẻ đã bị một thương tổn khá nặng nề với cuộc chia tay của bố mẹ, đừng làm trẻ lại bị thương tiếp bởi sự trách móc và oán giận của người lớn sau ly hôn.
Hà Minh Loan
(Tạp chí Ngày Nay số 9)
(Tạp chí Ngày Nay số 9)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét