Radio Ngay Nay Online

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Hạnh phúc khi được viết về Việt Nam

Tôi hạnh phúc khi được viết về về Việt Nam”, đó là cảm nhận của nữ nhà văn, nhà báo Nhật bản Hiramatsu Tomoko trong chuyến thăm Việt Nam mới đây. Nhà văn Hiramatsu Tomoko cũng chính là tác giả của cuốn sách “Nguyễn Thị Bình – Người phụ nữ làm thay đổi thế giới,  dày hơn 300 trang, đã được xuất bản tại Nhật cuối năm 2010 và cũng là một trong số những người dân Nhật Bản xuống đường biểu tình phán đối chiến tranh Việt Nam trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Với những tình cảm tốt đẹp dành cho Việt Nam, bà vinh dự được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc”. Nhân chuyến thăm Việt Nam của nhà văn, phóng viên Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc trao đổi ngắn.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tặng hoa cho nhà văn Hiramatsu Tomoko
Thưa bà, là một người luôn ủng hộ và gắn bó với Việt Nam từ những năm 70 của thế kỷ trước, điều gì đã khiến bà gắn bó với đất nước và con người Việt Nam đến như vậy?
Tôi đã vinh dự được nhiều lần đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Những chuyến đi này đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam. Tôi đã từng đọc và nghe về một đất nước Việt Nam anh dũng trong đấu tranh bảo vệ đất nước, giành được độc lập dân tộc, một đất nước Việt Nam với những con người quả cảm, yêu nước. Những năm gần đây, khi đến thăm Việt Nam, tôi thấy đất nước các bạn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, năng động với những con người nhiệt huyết, thân thiện và cởi mở. Việt Nam đã và đang trở thành một trong những nền kinh tế phát triển ở Châu Á và tôi tin tưởng rằng, với những gì tôi đã chứng kiến, Việt Nam sẽ thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Là tác giả của cuốn sách “Nguyễn Thị Bình – Người phụ nữ làm thay đổi thế giới” đã được xuất bản tại Nhật cuối năm 2010, bà có thể cho biết vì sao bà lựa chọn bà Nguyễn Thị Bình để viết cuốn sách này?
Từ khi còn rất trẻ, tôi đã được chứng kiến nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam tại Nhật Bản. Tôi cũng là một trong những người tham gia vào các cuộc biểu tình, trong đó có cuộc diễu hành chống chiến tranh ở Việt Nam từ tỉnh của tôi - Sai-ta-ma tới tận tỉnh Ô-ki-na-oa. Đến năm 1969, khi Hội nghị Pari về vấn đề chiến tranh ở Việt Nam diễn ra, xem truyền hình, tôi thấy một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng rất đĩnh đạc đại diện cho phái đoàn Chính phủ Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Tôi rất ngạc nhiên và khâm phục. Lúc ấy, tôi có một cảm xúc rất mãnh liệt về con người Việt Nam: Một phụ nữ đại diện cho một dân tộc anh hùng đang đàm phán về vấn đề hoà bình cho Việt Nam. Hình ảnh của bà Nguyễn Thị Bình khiến cho tôi tin tưởng chắc chắn rằng: “Việt Nam sẽ nhất định thắng Mỹ”. Trong suốt những năm sau này, ấn tượng về bà Nguyễn Thị Bình luôn theo đuổi tôi. Tôi muốn viết về bà Nguyễn Thị Bình, về đất nước Việt Nam, nhất là về cuộc chiến tranh Việt Nam, cả những gì sau cuộc chiến đó. Bây giờ, những điều tôi mong muốn đã được thực hiện là gặp trực tiếp bà và viết về bà. Đối với tôi, đây là công việc rất hạnh phúc.
Nhà văn Hiramatsu Tomoko nhận kỷ niệm chương “Vì hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc”
do Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Namtrao tặng
Trở lại Việt Nam lần này, nhà văn có cảm xúc gì khi gặp lại bà Nguyễn Thị Bình, và dư luận Nhật Bản đánh giá như thế nào về cuốn sách này?
Tôi coi đây là một vinh dự lớn. Tôi đã từng nghĩ, một nhà văn bình thường như tôi rất khó có thể gặp được một người phụ nữ tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Vậy mà bà Nguyễn Thị Bình đã dành thời gian quý báu của mình cho tôi. Một vinh dự vượt xa cả sự mong đợi của tôi. Mà không chỉ một lần, đây là lần thứ ba, tôi gặp trực tiếp bà Bình. Đối với tôi, mỗi lần như vậy đều rất xúc động. Quyển sách của tôi viết về bà Bình đã được các báo lớn nhất của Nhật Bản giới thiệu và trích đăng. Cuốn sách đã thu hút bạn đọc tìm đến để khám phá đất nước, con người và trí tuệ Việt Nam qua một người phụ nữ tiêu biểu - bà Nguyễn Thị Bình. Vừa rồi, nhờ việc bán sách khá thành công, tôi đã ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam được 6000 USD.
Trong tương lai, bà có dự định sẽ viết gì thêm về Việt Nam không?
Việt Nam là đất nước tôi yêu quý nên các đề tài về đất nước, con người Việt Nam luôn hấp dẫn và thu hút tôi. Tôi sẽ tiếp tục viết về những học sinh nghèo, những nạn nhân da cam/đi-ô-xin ở các tỉnh miền núi của Việt Nam. Tại khu tôi ở, có rất nhiều sinh viên Việt Nam tới nhà tôi chơi, họ kể về cuộc sống của những nạn nhân da cam/đi-ô-xin ở những vùng hẻo lánh của Việt Nam. Tôi sẽ tới một số tỉnh miền núi và những nơi khó khăn của Việt Nam để viết về cuộc sống ở những nơi đó.
Không chỉ là một nhà văn, bà còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Xuất phát từ đâu mà bà gắn bó với các hoạt động này?
Ngay từ khi còn ở Nhật Bản, tôi biết rõ rằng, việc quân đội Mỹ ném bom và rải chất da cam/đi-ô-xin nhằm huỷ diệt cỏ cây đã gây ra hàng loạt tác động tới người dân Việt Nam trong nhiều thế hệ. Hiện nay, với tư cách là Chi hội trưởng Chi hội Hữu nghị Hoà bình Việt Nam - Nhật Bản ở tỉnh Sai-ta-ma, tôi có điều kiện đến thăm Việt Nam nhiều lần để tìm hiểu, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân tỉnh Sai-ta-ma và Việt Nam. Mới đây, tôi đã đi thăm tỉnh Thái Bình, nơi có một trung tâm phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Tôi sẽ tiếp tục đi thăm nhiều nơi khác để ghi lại các câu chuyện cảm động. Với người Nhật Bản chúng tôi, cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, đặc biệt là việc rải chất độc là việc làm phi lý không thể chấp nhận được. Tôi mong sao, Việt Nam, mảnh đất tôi yêu quý sẽ kiên cường đấu tranh để giành công lý cho các nạn nhân da cam/đi-ô-xin.
Xin cảm ơn nhà văn!
PV
(Tạp chí Ngày Nay số 9)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online