(Ảnh sưu tầm mang tính minh họa)
NNO - Di sản thế giới là di chỉ hay di tích của một quốc gia như rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, tòa nhà, quần thể hay thành phố... do các nước có tham gia Công ước di sản đề cử cho Chương trình quốc tế di sản Thế giới, được công nhận và quản lý bởi UNESCO.
Những vị trí được đưa vào danh sách di sản thế giới có thể được nhận tiền từ Quỹ Di sản thế giới theo một số điều kiện nào đó. Chương trình này được thành lập bởi Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới, gọi tắt là Công ước di sản thế giới, nó được Đại hội đồng UNESCO chấp nhận ngày 16 tháng 11 năm 1972.
Tính đến năm 2011, có tất cả có 936 di sản được liệt kê, trong đó có 725 di sản về văn hóa, 183 di sản về những khu thiên nhiên và 28 di sản thuộc cả hai loại. Các di sản đó hiện diện tại 153 quốc gia.
Quần thể di tích Cố đô Huế
Cố đô Huế là kinh đô một thời của Việt Nam, nổi tiếng với hệ thống đền, chùa, thành quách, lăng tẩm, kiến trúc nguy nga tráng lệ gắn liền với cảnh quan thiên nhiên núi sông thơ mộng. Nằm ở bờ Bắc sông Hương, tổng thể kiến trúc của cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng với diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi ba vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.
Ba tòa thành này được đặt lồng vào nhau, bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên.
Cố đô Huế còn là nơi lưu giữ rất nhiều những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo vì nó chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng; nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động vừa huyền bí.
Bên cạnh đó, vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới... cùng với hàng nghìn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng.
Năm 1994, UNESCO đã chính thức công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị ngoại hạng về mặt cảnh quan. Năm 2000, vịnh Hạ Long tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ hai là Di sản địa chất thế giới vì những giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo.
Khu di tích Mỹ Sơn
Khu di tích Mỹ Sơn là khu vực đền tháp của người Chăm cổ, được học giả người Pháp M.C.Paris tìm thấy trong chuyến thám hiểm vùng Đông Nam Á vào năm 1898. Toàn bộ khu di tích nằm lọt trong thung lũng Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 68km về hướng Tây - Tây Nam.
Được khởi công từ thế kỷ IV, Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu của dân tộc Chăm. Đây được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của đạo Hindu (Ấn Độ giáo) ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Năm 1999, khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An thuộc thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là một khu phố được hình thành từ thế kỷ XVI - XVII, trước đây là thương cảng của miền Trung. Đến nay khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng quần thể di tích kiến trúc gồm nhiều loại hình như nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ kết hợp với đường giao thông ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ, mô hình phổ biến của các đô thị thương nghiệp phương Đông thời Trung đại.
Cuộc sống thường ngày của cư dân Hội An với những tập quán, sinh hoạt văn hóa lâu đời đang được duy trì một cách khá bền vững, hiện là một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị thời phong kiến.
Năm 1999, phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một khu bảo tồn thiên nhiên tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, có tổng diện tích 85.754ha. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, các loại hang động, sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, ngoài hệ thống sinh cảnh thảm rừng và động vật hoang dã, vùng này chứa đựng trong lòng nó cả một hệ thống trên 300 hang động lớn nhỏ được mệnh danh là “vương quốc hang động”.
Hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với bốn điểm nhất có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có những bờ cát rộng và đẹp nhất, có những thạch nhũ đẹp nhất.
Năm 2003, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Nhã nhạc cung đình Huế
Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003. Theo đánh giá của UNESCO, “trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia”.
Nhã nhạc đã đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên bao gồm các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên năm tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau như Êđê, Bana, Mạ…
Văn hóa cồng chiêng là loại hình nghệ thuật gắn với lịch sử văn hóa của các dân tộc thiểu số sống dọc Trường Sơn - Tây Nguyên. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để chơi những bản nhạc của riêng dân tộc mình, nhất là vào dịp lễ hội, chào đón năm mới, mừng nhà mới… Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên.
Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Quan họ Bắc Ninh
Quan họ là một trong những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam; tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Nghệ thuật dân ca Quan họ được coi là đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Đến nay, Bắc Ninh còn gần 30 làng Quan họ gốc, với hơn 300 làn điệu dân ca Quan họ.
Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao giá trị văn hóa đặc biệt, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và cả trang phục của loại hình nghệ thuật này.
Năm 2009, UNESCO chính thức công nhận Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ca trù
Hát ca trù (hay hát “ả đào”, hát “cô đầu”) là bộ môn nghệ thuật truyền thống của miền Bắc Việt Nam, rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở khu vực này từ thế kỷ XV. Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức diễn tấu) là đàn đáy, phách và trống chầu. Về mặt văn học, ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc đáo là hát nói.
Ngày 1/10/2009, ca trù của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với diện tích hơn 47.000m2 và Thành cổ Hà Nội với diện tích hơn 138.000m2, tạo thành một di sản thống nhất. Đây là minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ với khu vực và thế giới; là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử.
Ngày 1/8/2010, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.
Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long, hay bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là các bia đá ghi tên những người đỗ Tiến sĩ các khoa thi thời hậu Lê và thời Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, Việt Nam. Các bia đá này đã được UNESCO cộng nhận Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới vào ngày 9/3/2010, tại Macau, Trung Quốc. Sau Mộc bản triều Nguyễn , Bia Tiến sĩ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục Di sản tư liệu Thế giới.
Hội Gióng
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Giá trị nổi bật toàn cầu ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Mặc dù ở gần trung tâm Thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững, không bị nhà nước hóa, thương mại hóa.
Ngày 16/11/2010, hai hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Mộc bản triều Nguyễn
Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược dùng để in ra các sách được sử dụng phổ biến dưới triều Nguyễn. Hiện 34.555 tấm mộc bản đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 - trực thuộc Cục Văn thư .935 quyển có nội dung rất phong phú và được chia làm chín chủ đề: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục.
Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử..., triều đình đã cho khắc nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi. Trong quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản.
Ngày 31/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn đã chính thức được UNESCO đưa vào "Chương trình Ký ức thế giới.
Thành Nhà Hồ
Thành nhà Hồ là một kinh thành của triều đại Trần - Hồ (cuối triều đại nhà Trần và đầu triều đại nhà Hồ), tiêu biểu cho sự giao lưu về các giá trị văn hóa với các nước trong khu vực. Thành Nhà Hồ là bằng chứng cho sự cách tân của vương triều Hồ, đứng đầu là Hồ Quý Ly. Đây còn là sự đột phá về kỹ thuật chế tác và khai thác đá, trải qua hơn 600 năm nhưng hầu hết phần chính của tòa thành này còn nguyên vẹn, chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất về cảnh quan cũng quy mô kiến trúc ở khu vực Đông Nam Á.
Sau 6 năm (2006 - 2011) xây dựng hồ sơ và đệ trình UNESCO, ngày 27 tháng 6 năm 2011 tại kỳ họp thứ 35 được tổ chức tại Paris, Pháp, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức công nhận Thành Nhà Hồ trở thành di sản văn hoá thế giới./.
Thanh Phượng
(Tạp chí Ngày Nay)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét