Radio Ngay Nay Online

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

LY HÔN CÒN CẦN GÌ VĂN HÓA?

NNO - Không còn gì để cứu vãn gia đình, ly hôn. Điểm chót của một cuộc hôn nhân không phải ngày tận thế của các bên chồng – vợ - con. Sau thời khắc tuyên án ly hôn họ vẫn phải sống tiếp. Thế thì ly hôn có nhất định là sự kiện hủy diệt hay ở chính thời điểm đấy vẫn còn cần sự cứu rỗi của cách hành xử có văn hóa, tiền đề cho bước đi tiếp “không có nhau” của các thành viên gia đình vừa mới nát tan? 
                           (Ảnh sưu tầm mang tính minh họa)
Cách nhìn của cộng đồng đối với ly hôn không quá khắt khe như xưa nhưng chỉ là hệ quả của tư tưởng đề cao tự do cá nhân hơn so với trước đây và do tỷ lệ ly hôn ở ta thời gian qua tăng lên đáng kể, nhàm dần. Ly hôn vẫn là trải nghiệm đậm màu sắc tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới đời sống vật chất, tinh thần của các bên liên quan. Hôn nhân đã qua là đời thực, không phải là bản nháp nên “di chứng đổ vỡ” luôn còn lại đó trong tâm khảm họ, nhất là ở những đứa con xa cha hoặc mẹ.
Thời khắc cuộc hôn nhân vỡ tan, sự thất vọng, cay đắng, tổn thương, thù hận, lòng tham, sự bất nhẫn, vô cảm của các cựu chồng, cựu vợ khiến bầu không khí lạnh ngắt chật chội như ngăn đá tủ lạnh hoặc nóng rẫy như lò lửa chiến tranh. Ánh mắt hình viên đạn và lời nói rủa sả, bôi nhọ mặt đối mặt, tung tin lên mạng, lên báo chí, tranh thủ dư luận, kể cả đâm nhau, vung chưởng đập nhau chí chết là đều có thực. Cực nào của ứng xử trong quá trình chuẩn bị, tiến hành và hậu ly hôn cũng đều khiến tổn thương của tất cả các bên tăng nặng. Văn hóa ly hôn – không phải hàng xa xỉ mà là điều kiện sống còn để đi qua vùng bão tố ấy nhanh nhất, đỡ tổn thất nhất.
Hạ hỏa để ly hôn “thiện chí”
Đa phần ở các cuộc ly hôn tính xung đột thường được hun cao ngút trời từ những tranh giành đủ thứ quyền lợi, những hành vi bạo lực thể xác, tinh thần của bên nọ với bên kia để được ly hôn hoặc để không bị bỏ rơi, để giành phần tài sản, quyền nuôi con… Tòa án trở thành nơi phán xử tranh chấp chứ không chỉ là cấp có thẩm quyền luật pháp để hủy giấy đăng ký kết hôn.
Những lời nói, động tác, hành vi của quá trình tranh chấp ấy thường do xúc cảm chi phối hơn là lý trí tỉnh táo, trọng nghĩa. Cái nhìn thiếu thiện chí, đỉnh cao của hiểu sai giữa các bên khiến sức hủy diệt của các chi tiết ấy tăng mạnh, cắm rễ ở cựu vợ - cựu chồng và những đứa con suốt nhiều tháng năm sau.
Ý thức về sự kiềm chế để thỏa thuận trong chừng mực có thể vì quyền lợi vật chất, tinh thần của mỗi bên trước hết sẽ giúp đạt được mục đích cá nhân ít tốn sức hơn và giảm hệ lụy lâu dài. Dẹp chút cục tức để quyết định sáng suốt hơn và bớt phần ân hận, đau đớn về sau, giữ hình ảnh mình ở mức khả dĩ nhất trong mắt con và cả “người xưa” là vô cùng quan trọng không chỉ vì sỹ diện mà còn vì rất nhiều ràng buộc hậu ly hôn.
Đó là khởi đầu của chuỗi hành vi văn hóa ly hôn, thứ đầu tư sinh lợi bội phần cả trước mắt và tương lai.
Hợp tác để tan vỡ mà không tan nát
Những tính toán tranh giành tài sản, con, lý sai lẽ đúng trong mắt người đời vẫn là mẫu số chung muôn thuở của mọi cuộc ly hôn. Có thể bỏ của chạy lấy người và lấy quyền nuôi con. Có thể tìm mọi cách từ tử tế đến đê mạt giành con không vì con mà vì muốn cho bên kia đau đớn nát tan bõ hờn. Nhưng thói thường, những gì có được bằng cách giành giật tranh cướp đều hoặc là te tua tan nát không dùng được nữa hoặc thất thoát nặng nề.
Mất nặng nhất là danh dự bị bôi lem hơn mức kém cỏi thực chất trong mắt dư luận và con cái. Cái mất ấy khiến sau này họ rất có thể bị khó khăn khi muốn tái hôn mà người mới ấn tượng xấu. Cái mất ấy khiến họ “mất con” dù họ có ý thức được hay không rằng còn cần hay hết cần chúng. Và đương nhiên cái mất này khiến đường làm ăn kiếm sống của họ khó khăn khi đối tác làm ăn lại vòng vèo liên quan tới người xưa hoặc không thiện cảm với họ do những thông tin xấu từ vụ ly hôn. Định kiến xã hội với các bên ly hôn giảm nhưng mặc cảm ly hôn vẫn là gánh nặng với tâm lý từng bên dù họ muốn thừa nhận “thất bại” hay không.
Cú sốc ly hôn đối với con trẻ sẽ là di chứng không thể tránh khỏi, ảnh hưởng tiêu cực cả với cuộc sống thiếu bố, mẹ tới nhận thức niềm tin, quan niệm lựa chọn, ứng xử hôn nhân sau này của chúng. Nếu chúng chứng kiến cuộc ly hôn của cha mẹ với những hành vi có tình nghĩa, vì con thì chúng một mặt học được cách vượt qua khủng khoảng ở mức khả dĩ và không bị nhấn chìm vào nỗi đau kinh hoàng “bố mẹ ly hôn tức là mình không còn được yêu thương, không cần cho ai nữa” – thứ xúc cảm có thể khiến chúng không còn thấy ý nghĩa cuộc sống, dẫn tới nhiều lệch lạc nhân cách không thể cứu vãn, di họa tan nát sâu sắc nhất của cuộc ly hôn.
Hành vi hợp tác trên cơ sở tính tới giảm thiểu di chứng sốc ở con, tới hạn chế mất mát không đáng có cho mỗi bên vốn hết tình mà còn nghĩa để nhìn nhận nhau là phương án tốt cho các đầu cầu ly hôn đàm phán và tự hạn chế cơn bùng phát hành vi kiểu chém cho hả giận, nói xấu bố (mẹ) để giành ảnh hưởng ở con, gia đình lớn, bạn bè… Sự khác biệt nào đó giữa hai bên không hóa giải được thì đã phải trả giá bằng “mất nhau”, bằng vỡ mái ấm của con cái. Điều còn có thể làm được và phải làm được là không bắt đôi bên và con phải mất thêm bởi những hành vi tranh giành thực chất là vùi dập.
Nhờ vậy sẽ giúp hạn chế chính nỗi cay hận trong lòng mỗi bên – thứ thuốc độc hủy hoại cả nhân cách và sức khỏe, khả năng phục hồi sau ly hôn của mọi bên. Gia đình có tan vỡ nhưng vốn liếng tinh thần và vật chất được thỏa thuận phân chia trong thiện chí khả dĩ nhất sẽ khiến mọi thứ không tan tành như sau cuộc ly hôn kiểu hủy diệt. Đó là bước khởi đầu mới cao nhất có thể cho cuộc sống tiếp theo đạt được nhờ những hành vi hợp tác của một cuộc ly hôn có văn hóa.
Làm đối tác sau ly hôn và lợi ích lâu dài
Đã ly hôn thì về lý thuyết không liên quan gì nữa, trừ phi còn con, còn quan hệ xã hội khác chưa dứt. Người ta thường ở hai thái cực: lờ tịt đi khi phải nghe thấy, nhìn thấy gì đó liên quan đến người xưa hoặc ngấm ngầm hay công khai quan tâm tới đời sống tiếp theo của họ. Động cơ và sắc thái của cả hai cực hành vi này có thể là vì lìa ngó ý mà còn vương tơ lòng, tình nghĩa hoặc do hận thù, do tham sân si ghen tuông.
Do còn tình nghĩa, nhờ cuộc ly hôn có văn hóa, hoặc do bản năng yêu thương chưa hết thì việc làm đối tác kiểu bè bạn, kiểu nghĩa cũ người xưa là không quá khó khăn. Nếu trong lòng một hoặc cả hai bên còn lấn cấn hận thù hoặc vợ, chồng mới của mỗi bên khó chấp quan hệ với người cũ thì quan hệ đối tác dù trên cơ sở vì con cũng khó mà thực hiện.
Xử sự công bằng với nhau, với con sau ly hôn càng khó nếu không xác định được vị trí và vai trò kèm theo của bản thân mình trong tình trạng quan hệ mới. Sự lơ mơ ấy cộng với bản năng sở hữu bị giam hãm trong hận thù khiến ghen tuông hậu ly hôn có khi còn dữ hơn cả về biểu hiện và hậu quả so với trước ly hôn vì thực tế vô vọng của quyền kiểm soát nhau không còn hợp pháp. Có người còn lấy lý do vì con để kìm hãm người cũ chọn bạn đời mới theo mong muốn của người kia, trong khi chính họ không thực hiện tốt vai trò lo lắng, chăm sóc con sau ly hôn hoặc còn coi con là gánh nợ đời cản trở cuộc sống mới.
Về lâu dài và cốt lõi, không thể không đạt tới một tâm lý nhìn nhau kiểu đối tác an hòa cho sự bình yên, phát triển thực sự của mọi bên.
Xác định và hành xử đúng vị trí “người cũ”, đặt quyền lợi của con lên hàng đầu, công bằng trong đánh giá nhân cách cựu vợ, cựu chồng và tôn trọng vợ mới, chồng mới của mình, của họ sẽ giúp người sau ly hôn nhanh ổn định tâm lý, có ứng xử tế nhị và hiệu quả trong quan hệ với nhau. Không hiếm trường hợp nhờ vậy mà cộng đồng những người cũ và mới cùng con cái sau ly hôn đi từ mối quan hệ hợp tác hình thức, nghĩa vụ tới mức độ chân tình, thân quý vượt mọi định kiến.
Văn hóa ly hôn – khó nhưng khả thi?
Nhiều người nói rằng hành xử văn hóa trong ly hôn là vô vọng nếu chỉ có một bên hiểu và muốn thực hiện. Nhưng nếu cùng bắt nguồn từ ý thức hạn chế độ tàn phá của ly hôn thì lẽ nào các bên không tỉnh táo được vài phần nhỏ để bắt đầu một cách nghĩ tích cực. Có thể bắt đầu bằng lợi ích của con, của mình và nhiều khi là chính vì chữ tình chưa dứt, chữ nghĩa thực ra khó cạn đến trơ đáy giữa những con người từng yêu thương, từng muốn có nhau, muốn dựa vào nhau mà sống.
Trong một cuộc tương tàn đến mức ly hôn, lời qua, tiếng lại và ném đá đến, đi giữa các bên mới là yếu tố đẩy dần hôn nhân vào ngõ cụt. Nếu có một giây tỉnh táo để hạ hỏa, bắt đầu con đường ly hôn có văn hóa thì rất có thể không chỉ giảm độ tàn phá mà gia đình còn thoát khỏi cú ly hôn. Nếu không thể hóa giải thì một cuộc ly hôn có văn hóa vẫn là thiệt ít lợi nhiều. Vẫn chữ lợi đó nhé các bên, ráng lên là làm được.
 Khi các bên chưa tỉnh mà làm theo đường quang này thì người thân, bè bạn, con cái có thể giúp họ đặt bước đầu tiên lên đường. Tuyên truyền, phổ biến về một văn hóa ly hôn là biện pháp kiềm chế hiện trạng ly hôn, đang gia tăng cả về số lượng và hệ lụy, không phải việc nằm ngoài tầm tay của cộng đồng.
Trong bối cảnh mâu thuẫn cao trào, các bên mất bình tĩnh hơn là tỉnh táo thực thi một văn hóa ly hôn là không dễ nhưng nhiều người đã làm được vì đó là cứu cánh duy nhất cho tương lai của chính họ, con và đối tác. Văn hóa ly hôn, khó nhưng khả thi./.
Ths.Đinh Thị Phương Thảo
(Tạp chí Ngày Nay)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online