NNO - Cổ Loa được biết đến không chỉ là cái tên một thành trì quân sự nổi tiếng của nước Âu Lạc thời An Dương Vương mà còn là trụ sở của huyện Phong Khê thời thuộc Hán, là căn cứ quân sự thời Hậu Lý Nam Đế vào năm 692. Đó cũng là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập do Ngô Vương Quyền khởi lập và tồn tại từ năm 939 đến năm 944. Nơi đây có tòa thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó), nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Cổ Loa nằm trên một vùng đất cao, thoải dần từ Bắc xuống Nam. Có thể chia khu di tích này thành ba hạng mục chính: Thứ nhất là di tích tường thành với kiến trúc đặc trưng của thành, lũy, hào, gò, đống... Thứ hai là di tích khảo cổ học qua các thời đại Đồ đồng, Đồ sắt thời đại phong kiến. Thứ ba là di tích kiến trúc nghệ thuật với đình, đền, am, miếu...
Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành). Tương truyền, thành có 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất: thành ngoài (chu vi 8km), thành giữa (hình đa giác, chu vi 6,5km) và thành trong (hình chữ nhật, chu vi 1,6km). Thân thành ngày nay có chiều cao trung bình từ 4-5m, có chỗ cao tới 12m. Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ.
Nếu cộng cả ba vòng thành lại thì tổng chiều dài là 16km, trải trên diện tích 850ha.
Đến thăm Cổ Loa thành, du khách không thể bỏ qua việc tìm hiểu di tích khảo cổ học để hiểu và tự hào thêm về lịch sử dân tộc. Có rất nhiều di vật cổ là đồ đất nung, đồ sắt, men, gốm... trong các ngôi mộ gạch và khuôn giếng cổ tại di chỉ Đồng Đô, Mả Cơ, Ao Má... có niên đại từ trước và sau Công nguyên đến thế kỷ thứ X. Nhiều di vật thuộc thời đại phong kiến Lý, Trần, Lê, Nguyễn... được giới khảo cổ phát hiện.
Mảnh gốm được khai quật tại di chỉ Đình Tràng năm 2010. Niên đại: Văn hóa Phùng Nguyên cách đây 3500 – 4000 năm.
Gạch trang trí chim phượng nổi. Khai quật tại di chỉ Đền Thượng năm 2007. Niên đại: thời Lê thế kỷ thứ XVII – XVIII.
Khu vực thành nội có nhiều di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn. Đền thờ An Dương Vương còn gọi là đền Thượng ngự trên một quả đồi xưa có cung thất của vua. Ngay trước đền thờ là giếng Ngọc. Ông Ngô Văn Hưởng, cán bộ quản lý Đền cho biết, những di vật quý trong đền đôi ngựa chiến cổ làm bằng gỗ vào năm 1716, pho tượng vua Thục bằng đồng nặng 255 kg đúc năm 1807 và 3 tấm bia đá ghi niên hiệu Hoàng Định thứ 5 (1606). Theo văn bia Cổ Loa, đền thờ An Dương Vương được xây dựng năm 1687, trùng tu năm 1893.
Giếng Ngọc và đền thờ An Dương Vương.
Qua cổng làng, cũng là cổng thành sẽ tới đình làng Cổ Loa hay đình Ngự Triều Di Quy - nơi bá quan triều hội xưa kia. Dáng vóc của đền vững chãi, bề thế, mái đao vút cong. Theo ông Hoàng Hữu Tiến, cán bộ quản lý khu di tích thì nơi đây là một trong những bối cảnh của bộ phim Đêm hội Long Trì, kể về cuộc sống của người dân Việt Nam dưới thời vua Lê chúa Trịnh vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Đình được xây dựng trên nền điện thiết triều cũ vào năm 1907, thời Nguyễn.
Loa thành là di sản văn hóa, là bằng chứng về sự sáng tạo và trình độ của người Việt lúc bấy giờ. Hằng năm, ngày 6 tháng giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức lễ hội trang trọng nhằm ghi ơn An Dương Vương và tưởng nhớ công đức người xưa đã có công xây thành. Lễ hội có đám rước thần uy nghiêm của 12 xóm. Tối ở đình làng có đốt pháo hoa, hát ca trù, hát tuồng. Ban ngày, các cụ ông chơi bài, đánh cờ. Các cụ bà đi lễ đình lễ chùa. Thanh thiếu niên có trò chơi truyền thống: đấu vật, bắn cung nỏ, cờ người, hát quan họ...
Đến thăm Cổ Loa thành, du khách sẽ cảm nhận được khung cảnh của một vùng quê cổ tích với bao huyền thoại. Lịch sử hàng nghìn năm đã đi qua nhưng dấu ấn một thời đại hào hùng thuở An Dương Vương nối nghiệp các Vua Hùng còn sáng mãi.
Thanh Phượng - Trường Giang
(Tạp chí Ngày Nay)
(Tạp chí Ngày Nay)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét