Radio Ngay Nay Online

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

KHƠI NGUỒN SÁNG TẠO Ở TRẺ

Tạo tại sao lại phải giáo dục sáng tạo cho trẻ? Sáng tạo là gì? Những sai lầm  nào của bố mẹ khi dạy trẻ sẽ ảnh hưởng đến sự sáng tạo của trẻ? Điều gì ức chế tính sáng tạo, quá nhiều hay quá ít giới hạn? Làm cách nào để phát triển tính sáng tạo ở trẻ? Sự sáng tạo ở trẻ thường bị hạn chế bởi những tiêu chuẩn cứng nhắc của sách giáo khoa, cho nên thời kỳ được tự do phát triển tính sáng tạo chính là thời kỳ trẻ nhỏ. Vì vậy, cha mẹ cần hiều đúng về khả năng sáng tạo để có thể phát huy được tối đa ở mỗi đứa trẻ.
Khả năng sáng tạo dùng để chỉ khả năng suy nghĩ ra những điều mới mẻ,
ý tưởng hay mục đích độc đáo
Sáng tạo ở trẻ là gì?
Khả năng sáng tạo là năng lực đáp ứng một cách thích nghi nhu cầu tồn tại theo lối mới, năng lực gây ra cái gì đấy mới mẻ. Sự thích ứng như vậy chủ yếu liên quan đến cảm giác, phát hiện sự nảy sinh những ý và nghĩa trong quá trình hình thành mục đích hoặc mang những hình thức của các cấu trúc mới, những qúa trình hoặc sáng chế mới hoặc tiếp tục tồn tại.
Vì vậy, cần phải hiểu một cách phù hợp khi chúng ta nói về khả năng sáng tạo ở trẻ. Năng lực sáng tạo ở trẻ có thể hiểu rằng với một biện pháp giáo dục hợp lý, trẻ sẽ có khả năng tự tin, khả năng ghi nhớ, khả năng thích ứng, khả năng phân tích, tổng hợp... Nhưng khi bàn đến tính sáng tạo, thì chúng ta đã bước qua khu vực của thiên hướng mang tính nghệ thuật và khoa học, mà ở đó những nguyên tắc tốt về giáo dục chỉ là một yếu tố không mang tính bắt buộc. Các thiên tài về hội họa, về kiến trúc và khoa học, sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, những tư tưởng triết lý mới phải chăng là đều xuất phát từ những gia đình mà cha mẹ là những người có kỹ năng giáo dục tốt, hay cho con uống đều đặn sữa bột thông minh?
Vì vậy, chúng ta - những bậc cha mẹ  nên biết tự giới hạn khi đề cập đến khả năng sáng tạo, một trong những bí ẩn của não bộ - để tránh gây áp lực cho chính mình và cho những đứa con.
Những sai lầm  nào của bố mẹ khi dạy trẻ sẽ ảnh hưởng đến sự sáng tạo của trẻ?
Như chúng ta đã biết, sự sáng tạo của trẻ em thường bắt đầu từ sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng… và thường không có tính chủ đích. Sự sáng tạo của trẻ em phụ thuộc nhiều vào xúc cảm, vào tình huống và thường kém bền vững. Vì vậy, môi trường giáo dục, văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học hiện nay lại là một rào cản cho sự phát triển sáng tạo của trẻ. Những sai lầm thường mắc phải của người lớn:
- Người lớn thường thích trẻ vâng lời, làm theo sự chỉ dẫn hơn là trẻ nghĩ ra những điều gì mới mẻ,  ý tưởng riêng khác với ý kiến của người lớn.
- Người lớn thường thích áp đặt, ý tưởng, mong muốn, cách làm của mình hơn là để trẻ được tự do thể hiện ý tưởng, được làm theo cái trẻ thích …
- Người lớn thường đánh giá thấp khả năng của trẻ, không tin tưởng vào trẻ có thể làm được.
- Người lớn thường không đủ khả năng kiên nhẫn và có thời gian chờ đợi trẻ tự lập làm việc gì đó mà thường làm thay con mình với tâm lý “cho nhanh, còn làm việc khác”…
Những sai lầm này gây nên hệ quả tất yếu: trẻ thiếu sự trải nghiệm cần thiết, ngăn cản sự tìm tòi để giải quyết tình huống của trẻ, làm chúng mất đi cơ hội để tự trải nghiệm và trở nên thụ động, kém tự tin. Như vậy, chính người lớn đã là nguyên nhân chính đang cản trở sự phát triển sáng tạo của trẻ.
Việc đặt ra các giới hạn có làm ức chế tính sáng tạo của trẻ không?
TheoTodd Lubart tiến sỹ , giáo sư tâm lý học, tác giả cuốn “Tâm lý học sáng tạo”: Một nghiên cứu đã được tiến hành tại các trường học. Ba mẫu gia đình được lựa chọn: Quy tắc nghiêm ngặt, quy tắc mềm dẻo và không có quy tắc. Với mẫu gia đình thứ nhất, các quy tắc đặt ra luôn phải được tuân thủ chặt chẽ: "Chỉ được xem ti vi 1h đồng hồ mỗi ngày, từ khoảng 19h – 20h". Với mẫu gia đình thứ hai, các quy tắc linh hoạt hơn "Xem ti vi từ khoảng 19 – 20h mỗi ngày nhưng có những trường hợp ngoại lệ". Và mẫu gia đình thứ ba, được gọi là ngẫu hứng, không có các quy tắc bắt buộc: "Xem ti vi tùy thích khi nào bạn muốn". Kết quả, trong các gia đình quá nghiêm khắc hay quá tự do, tính sáng tạo phát triển kém hơn.
Đó là vì tính sáng tạo là một sản phẩm độc đáo, phát sinh theo yêu cầu của một ngữ cảnh cụ thể. Một môi trường quá cứng nhắc sẽ cản trở việc bộc lộ các ý tưởng, nảy sinh các lối mòn. Trong ngữ cảnh đó, các ý tưởng không được cho phép cũng không được khuyến khích. Một môi trường quá tự do lại thiếu các nguyên tắc cốt yếu để tạo điều kiện cho các ý tưởng nảy sinh và gắn kết với một ngữ cảnh cụ thể.
Vậy điều gì ức chế tính sáng tạo, quá nhiều hay quá ít giới hạn?
Cũng theo tiến sỹ Todd Lubart: Việc thiếu trân trọng các giá trị của sáng tạo và giá trị của chính đứa trẻ là nguyên nhân. Việc sợ bị thất bại cũng vậy. Một đứa trẻ sợ bị thất bại sẽ không dám thử làm những điều khác biệt. Hơn nữa, môi trường giáo dục cổ điển cũng không hướng tới việc đề cao các giá trị của tính sáng tạo. Một ý tưởng sáng tạo có thể bị coi như biểu hiện tiềm tàng như một sự rối loạn, cũng có thể không phải là một ý tưởng được mọi người mong đợi. Chúng ta luôn mong đợi đứa trẻ đưa ra các câu trả lời chuẩn mực hay nói những gì chúng được dạy…
Làm cách nào để phát triển tính sáng tạo ở trẻ?
 Hãy đề nghị bé tham gia vào cách hoạt động kích thích óc sáng tạo và giúp bé sáng tạo một cách năng động. Một vài hoạt động hiện nay dường như quá mang tính chỉ dẫn đối với bé. Nó đòi hỏi bé phải có câu trả lời chính xác giống như khi ở trường học. Không phải là các hoạt động sáng tạo khi đứa bé phải tô màu bức tranh với những màu sắc đã định trước hay vẽ một bức tranh theo các con số… Các hoạt động sáng tạo không bao giờ đòi hỏi một câu trả lời chuẩn mực. Các hoạt động này phải tạo ra sự tự do trong một giới hạn nhất định và đòi hỏi một quá trình làm việc công phu. Hãy yêu cầu bé vẽ theo một chủ đề, hoặc đưa cho bé tiêu đề của một bức tranh, đề nghị bé sắp xếp các phần khác nhau thành một câu chuyện hoàn chỉnh…
 Những nét tính cách cá nhân nào được coi là điều kiện thuận lợi để phát triển tính sáng tạo?
Đó là dám mạo hiểm, không hùa theo xu hướng nhất thời, có tư tưởng cởi mở và có tính kiên trì (không bỏ cuộc giữa chừng), có động cơ nội tại. Thiếu những nét tính cách đó bạn không thể làm gì được. Không thể một mình mà có thể sáng tạo được.
Vai trò của sự động viên, khuyến khích của người lớn trong việc phát huy sự sáng tạo ở trẻ?
 Khi đứa trẻ làm một việc gì đó, một công việc nhà, hoặc vẽ một bức tranh, vì có người nói với nó "Hãy làm đi, con sẽ được thưởng kẹo hoặc được cho tiền", tức là đứa trẻ đang bị thúc đẩy bởi những động cơ bên ngoài. Động cơ nội tại là mong muốn của chính đứa trẻ, muốn bộc lộ cho mọi người thấy năng lực, tài năng và sự khéo léo của mình… Đó là mong muốn được cha mẹ thừa nhận, được khen ngợi và được đề cao giá trị bản thân.
Hãy tìm cách khuyến khích trẻ. Một đứa trẻ khi vẽ tranh trong một căn phòng phủ đầy các bức áp phích sẽ tạo ra một tác phẩm giàu tính sáng tạo hơn so với một đứa trẻ vẽ trong một căn phòng trống trơn, nơi các bức tường sơn màu trắng. Cha mẹ đừng quên rằng bản thân mình cũng là một yếu tố quan trọng, làm gương cho trẻ. Cha mẹ ham mê sáng tạo sẽ là nguồn động lực rất lớn kích thích trẻ sáng tạo./.

Hà Minh Loan
(Tạp chí Ngày Nay số 10)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online