Radio Ngay Nay Online

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

LÒNG THƯƠNG NGƯỜI CÒN HAY MẤT

Lòng thương người là sự yêu thương quí trọng con người dù họ xa lạ, dù họ không phải là đồng bào mình, bà con họ hàng mình, nhất là sự yêu thương ấy giành cho những người hoạn nạn, không may mắn, nghèo khổ hơn mình. Cái điều đơn giản ấy ta đã được cha mẹ dạy bảo khi ta lên năm lên bảy, ai cũng biết và ai cũng thuộc. Rồi nhà trường dạy chúng ta lòng thương người bằng những bài học thuộc lòng: “Nhiễu điều phủ lấy gia gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, hay dạy ta như là bầu bí cùng giàn, như gà cùng mẹ, khi hoạn nạn thì lá lành đùm lá rách. Tôi không được chứng kiến nhưng cũng nghe nhiều, có gia đình nghèo mà đã từng cưu mang năm sáu chục đứa trẻ cơ nhỡ, có những trung tâm làm phúc mấy chục năm liền chăm nuôi những đứa hài nhi và những đứa trẻ tàn tật bị bỏ rơi. Tôi cũng đã từng nghe nói đến nhiều chương trình to lớn có nhiều vị này vị khác đến dự để quyên góp tiền giúp đỡ người nghèo, vân vân... Tuy nhiên, những người giàu lòng bác ái kia,  những nghĩa cử kia quá nhỏ bé, quá ít ỏi về hiệu quả và về số lượng mà đến nỗi  người có lương tâm bức xúc phải đặt câu hỏi là Lòng Thương Người còn hay mất, nó ở đâu rồi trong thời đại ngày nay?
                                                (Ảnh sưu tầm mang tính minh họa)
Lòng thương người còn hay mất khi mà những con người hoạn nạn, oan trái xơ xác, vật vờ nước lọ cơm niêu, ngày này sang ngày khác vác đơn kêu cứu đến các cửa quan đều chỉ nhận được một vẻ mặt lạnh băng hoặc bị xua đuổi. Khi mà một người yếu đuối bị hành hung mà không ai can thiệp. Khi mà một người bị móc túi hoạc bị cướp mà đồng loại không ai bênh vực. Khi mà một người nghèo không may phải cấp cứu tới bệnh viện không tiền nộp viện phí chết cũng đành không dám kêu ai....
Lòng thương người còn hay mất khi mà những chính sách nhân đạo của Nhà nước cho ngư dân, nông dân trong các chương trình đánh bắt xa bờ, trồng rừng, chăn nuôi vay vốn ưu đãi hoặc tiền cu đói, tài trợ cho thiên tai bị các kẻ thừa hành làm vô hiệu bởi ăn chặn, ăn cắp, tham nhũng cả một hệ thống hoặc bằng những thủ tục nhiêu khê rờm rà mà người nông dân ít học không thể vượt qua nổi...
Lòng thương người ở đâu, thậm chí một người bị tai nạn liền bị mọi người xúm lại, kẻ móc ví lấy tiền, kẻ lấy đồ, tuyệt nhiên không một ai nghĩ đến việc cứu người đang bất tỉnh. Một cái xe bị đổ không ai nghĩ đến chuyện cứu người mà chỉ đến để lấy của. Thở ơ với người bị nạn, thấy chết mà không cứu đã là sự vô lương tâm, vô văn hóa nhưng nhân người ta bị hoạn nạn để mà cướp của cướp nhà thì sự dã man đã đạt đến tột đỉnh.   
Lòng thương người ở đâu khi mà xã hội đưa cái “lòng thương người” ra làm trò để diễn. Có một đoàn quan chức kéo theo phóng viên truyền hình bay từ Hà Nội vào Quảng Nam để tặng 5 sổ tiết kiệm cho 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Điện Bàn, mỗi sổ 200 ngàn đồng. Đó là gì, là diễn. Tại sao các quan lại hào hứng thông qua dự án bỏ ra 411 tỷ đồng xây tượng Bà mẹ Việt Nam anh hung trong khi rất nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hung đang sống trong những ngôi nhà tình nghĩa trị giá chỉ 20 triệu đồng, cô đơn lẻ loi cả năm để chờ cho đến ngày 27 tháng 7 đoàn này đoàn nọ đến tặng quà chúc mừng ầm ỹ xong ngày đó bà lại trở về sự cô đơn. Dự án này rồi cách gì đó cũng phải làm thôi vì phí bôi trơn đã chi rồi, ai chịu? Đứa trẻ con nó cũng biết nếu được hỏi người ta làm tương Bà Mẹ Việt Nam anh hung có phải vì các bà hay vì ai?
Không biết ai thế nào nhưng riêng tôi thì còn nhớ, một thời chúng ta phê phán lòng thương người, chữ nhân văn, nhân ái rất ít xuất hiện trong xã hội, cả trong ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học. Người ta phê bình nhau “đồng chí thương người vô nguyên tắc”. Nghĩa là tình yêu, tình thương, tình cha con, tình làng nghĩ xóm đều phải có tính giai cấp. Tính giai cấp trong chính trị triết học, trong văn học, trong giáo dục, trong đường lối cán bộ đã đành, cả trong sinh hoạt hàng ngày cũng phải có tính giai cấp. Không có nhân đạo, nhân văn chung chung, không có tình yêu chung chung. Khi giai cấp đối kháng bị tiêu diệt, xã hội ta chỉ còn công nông, thế mà lòng thương người lại biến đâu mất. Tại sao?
Trần Huy Quang
(Tạp chí Ngày Nay số 10)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online