Radio Ngay Nay Online

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

KỸ NĂNG ĐI VIỆN

Những định kiến xã hội có lý và thổi phồng về ngành y khiến người bệnh khó lòng dám đặt trọn niềm tin vào tay nghề, lương tâm nghề nghiệp bác sĩ nhưng ốm thì vẫn phải đi viện. Kỹ năng nào để vượt khó?
Cộng đồng ngày càng bức xúc về hệ thống y tế
Những câu chuyện về tiêu cực quanh sử dụng chế độ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, quá tải y tế mọi tuyến là đề tài dai dẳng, căng thẳng trong dư luận. Bên cạnh thành tựu y khoa tầm thế giới trong một số lĩnh vực, những sơ suất chuyên môn và tiêu cực y đức ở mức độ gây xung đột xã hội với nhiều tổn thất về mạng sống của cả người bệnh và phía nhân viên y tế.
Sự giận dữ của cộng đồng bốc hỏa không ngừng vì luồng thông tin dồn dập về bất cập y tế ở mọi vùng miền đất nước. Những ca cấp cứu xử lý chậm, xử lý sai khiến bệnh nhân không đáng mà lại bị tử vong chỉ do nhân viên y tế do thái độ vô trách nhiệm với mạng sống con người. Nhiều trường hợp sản phụ đẻ rơi chết con, tai biến mẹ do bác sĩ ngủ quên, bỏ vị trí trực, hay bệnh viện chậm thông báo một cách khó hiểu về việc bệnh nhân tử vong. Một kết quả nghiên cứu được công bố trên truyền thông đại chúng về nỗi đau xé ruột oan trái của các gia đình thai phụ phải bỏ mầm sống kiểu dự phòng vì chỉ định mẹ mắc rubella, trong khi con chỉ có một tỷ lệ thực nhiễm hơn 1/10 số ca.
Mối quan hệ bệnh nhân – nhà y có nhiều phần dè miếng nhau chứ không phải các bên cùng chiến đấu với bệnh tật vì sức khỏe con người. Đã liên tiếp xảy ra những trường hợp người nhà, người quen bức xúc vì bệnh nhân tử vong do không được cấp cứu kịp thời mà xoay ra hành hung nhân viên y tế, giết bác sỹ, đập phá cơ sở y tế bất chấp lỗi đúng sai về bên nào. Đó là do định kiến xã hội đã sẵn nung, khi rơi vào cảnh, con người khó có thể bình tĩnh xử trí để khỏi gây ra những hậu quả hình sự đáng tiếc tiếp theo.
Ốm đau nhìn viện mà… ghê
Thực tế đi viện cũng còn vô vàn khó khăn do con người trong hệ thống y tế vẽ ra hành bệnh nhân và người nhà họ. Từ khi bước chân vào cổng viện cho tới lúc may thì hồi phục mà về, xui thì lạc ra “cổng sau” ngàn thu vĩnh biệt, bệnh nhân và người nhà phải vận công để huy động không chỉ tiền bạc, nhân lực chăm sóc mà cả để ngó trước nhìn sau nhờ cậy kiểu nhất thân nhì quen, phát huy văn hóa phong bì từ tiền cục đến bạc lẻ.
Vẫn còn có bác sĩ bệnh viện mới xây dựng nâng cấp to đẹp ở Thủ đô yêu cầu người nhà bệnh nhân cấp cứu lúc 2 giờ sáng đi tìm mua… cặp nhiệt độ vì “ở đây ai cũng tự túc”. Đến khi người nhà không kiềm chế nổi, ra giữa sân la hét chửi bới thì cả trưởng khoa, bác sĩ, y tá mới cuống cuồng chìa cặp nhiệt độ ra và nói vớt “đây là mượn tạm bệnh nhân khác”.
Vẫn còn cảnh bệnh nhân rỉ tai nhau kinh nghiệm kẹp tiền vào y bạ để nhân viên xếp số khám nhanh hơn, để được chăm sóc tận tình hơn (mà chưa chắc đã đủ đến mức quy định trách nhiệm đương nhiên của nhà y), để được xếp giường nội trú… Thậm chí để được bệnh viện dẹp sỹ diện nghề nghiệp mà cho bệnh nhân chuyển viện tới tuyến cao hơn kịp thời.
Chuyện xót xa mà không quá hiếm ở phòng phẫu thuật: cụ bà hơn 70 tuổi chịu ca mổ sỏi thận rạch vết lớn thay vì được mổ nội soi vì bác sĩ hội chẩn nhầm phim; cháu bé mổ ruột thừa phải đi viện khác mổ cấp cứu lại sau một tuần vì kíp mổ trước làm vệ sinh khoang bụng ẩu, gây nhiễm trùng.
Bác sĩ kê đơn thuốc đặc trị vô tội vạ, dựa vào giá trị hoa hồng của hãng dược hơn là vì phù hợp với thể trạng bệnh nhân. Có bà mẹ suýt mua thuốc tẩy giun bán kèm trong đơn cho cậu con trai hai tuổi bị cảm sốt nếu không tình cờ biết vì mới dùng thứ thuốc đó chưa lâu.
Nói đến đi viện nhiều khi chợt lạnh người như thể bước vào biển lửa, bãi chông không chỉ vì bệnh tật thách đố mà cả những mỏi mệt lách luồn và nguy cơ gặp họa vì trình độ, thái độ nhà y.
Bệnh nhân cần làm gì để nhận được điều kiện khám chữa bệnh khả quan nhất trong bối cảnh guồng xoáy hay dở quanh bệnh viện đang rối mù như vậy?
Kỹ năng đi viện – không thể coi thường
Khi bệnh nhân không còn có thể phó thác mình hoàn toàn vào tay nhà chuyên môn và hệ thống dịch vụ y tế, họ buộc phải có thêm nhiều “kỹ năng tự cứu” trong mọi khâu tiếp cận khám chữa bệnh.
Thấy có triệu chứng bệnh tật, dù ở mức cấp cứu hay không, cần có tri thức tối thiểu hoặc xin được lời tư vấn hợp lý của người quen trong hoặc ngoài hệ thống y tế để xác định nên đến cơ sở y tế nào là phù hợp nhất. Đến đúng chuyên khoa, kịp thời hỗ trợ bệnh nhân, tranh thủ được thời cơ cấp cứu quý báu, can thiệp chữa bệnh từ đầu thì đỡ nguy cơ bùng phát, biến chứng.
Gặp bác sĩ, cố gắng trình bày rõ ràng, ngắn gọn các yếu tố thời điểm nhận thấy bệnh, triệu chứng liên quan, lịch sử sức khỏe bệnh nhân khi được hỏi. Thân nhân cần bình tĩnh chờ đợi bác sỹ chẩn đoán để tránh gây sức ép cho họ phải giải quyết tâm lý của chính bạn nữa. Trong bối cảnh hiện nay, một thân nhân người bệnh không bình tĩnh càng khiến bác sĩ e ngại những phát sinh xung đột nguy hiểm.
Tuy thế, không nên thụ động chờ đợi lê thê trong khi người nhà hoặc bản thân mình vẫn còn triệu chứng đáng ngại. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có quyền tìm gặp bác sĩ điều trị để được biết thực trạng bệnh, định hướng xử lý và khả năng diễn biến. Có thông tin đầy đủ là cơ sở để tiếp tục xác định yên tâm chữa trị hay chờ đợi diễn biến một cách chủ động. Thông tin ấy cũng hữu ích để tìm sự hỗ trợ chính xác nếu cần huy động thêm mạng lưới quen biết, đề xuất khả năng phương tiện chữa trị cao cấp hơn hoặc chủ động xin chuyển viện… Với một bệnh nhân và người nhà có hành vi hợp lý, bác sĩ sẽ dễ dàng hơn trong việc chia sẻ thông tin. Trường hợp tai biến xảy ra, nhờ đủ thông tin, thân nhân bình tĩnh xét đoán hơn để kiềm chế hành vi bột phát gây hậu quả hình sự đáng tiếc.
Trường hợp thăm khám ngoại trú, bệnh nhân nên hỏi bác sĩ về tác dụng chữa trị của mỗi loại thuốc được kê đơn. Nhờ vậy sẽ tránh việc mua lượng thuốc tốn kém không cần thiết. Loại thuốc được dùng sẽ là thông tin lịch sử điều trị cho những lần đi viện sau. Đừng quên xin điện thoại để liên hệ với bác sĩ. Khi không có được loại thuốc đúng tên, bác sĩ sẽ tư vấn cho mua loại cùng tác dụng, thành phần biệt dược. Ngoài ra, nhất thiết phải hỏi bác sĩ về tiên liệu diễn biến bệnh và các triệu chứng nguy hiểm cần quay lại kiểm tra gấp.
Khi có chỉ định mổ, bỏ thai, làm xét nghiệm tốn kém, các can thiệp y khoa lớn… bệnh nhân cần hỏi bác sĩ đầy đủ các thông tin kèm theo với các phương án điều trị trước khi quyết định. Nhận được kết luận bệnh trọng, rất nên thăm khám thêm ở các cơ sở y tế uy tín khác để đảm bảo kết luận chính xác thay vì hoảng hốt chấp nhận ngay can thiệp y tế hoặc tự làm tâm lý ảnh hưởng sẽ tác động xấu tới diễn biến bệnh, nếu có.
Một kỹ năng giao tiếp cực kỳ quan trọng phải có khi đi viện chính là đừng xử sự theo định kiến với nhân viên y tế. Mọi kinh nghiệm qua nghe, qua “bị” những lần nào trước đó đều có thể không đúng với lần đang gặp, chỉ có tác dụng tham khảo. Có rất nhiều tình huống xảy ra vì lý do khách quan từ diễn biến căn bệnh, vì điều kiện y tế chưa thể đáp ứng, mà nếu xử sự theo định kiến thì chỉ làm tình thế tệ thêm. Điều đó tránh mầm mống cho những xung đột rất dễ bùng phát không cần thiết, làm khó quá trình tiếp cận dịch vụ y tế của chính bạn.
Ngoài các kỹ năng trên, trong bối cảnh tiêu cực y tế và cả những thiếu thốn thật sự về trang thiết bị chưa thể được khắc phục trong ngày một ngày hai, bệnh nhân và người nhà nên chuẩn bị bộ dụng cụ y tế tối thiểu như cặp nhiệt độ, túi chườm… để tránh bị động.
Nếu phải tuân thủ văn hóa phong bì lót tay, xin hãy tạm xem là sự bù đắp cho người chăm sóc để tránh làm bản thân thêm bức xúc, dẫu chính điều đó cũng cần loại trừ dần.
Những kỹ năng trên không mới, không đảm bảo giúp tránh hết mọi trục trặc y tế nhưng là điều có thể thực hành, giúp bệnh nhân và người nhà tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn.
Thay lời kết
Những ghi nhận bất cập trên đa phần là chuyện con sâu bỏ rầu nồi canh. Vẫn còn rất nhiều khoa, bệnh viện tổ chức phục vụ người bệnh tận tâm, tận lực và kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn tệ phiền nhiễu, giữ vững y đức và tinh thần trách nhiệm.
Truyền thông nhân rộng gương người tốt việc tốt, quán triệt nội dung y đức, kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế với người bệnh và thân nhân của họ chính là một phía quan trọng để tiến tới củng cố, hoàn thiện mô hình văn hóa ứng xử trong quan hệ xã hội ở lĩnh vực y tế. Mặt khác, cần truyền thông kỹ năng tiếp cận hệ thống y tế cho cộng đồng, từng bước hình thành chuẩn mực ứng xử trong quá trình hành vi đi tìm sức khỏe.
Văn hóa ứng xử y tế chỉ có thể phát triển, duy trì bền vững song song với các nỗ lực tăng cường chuyên môn, y đức, kiểm soát cơ chế tổ chức hệ thống y tế để từng bước xóa bỏ định kiến xã hội về ngành y. Khi ấy bệnh viện mới thực là nhà, lương y là từ mẫu và những kỹ năng ứng phó với tiêu cực bệnh viện sẽ chỉ là… lo xa./.
Song An
(Tạp chí Ngày Nay số 10)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online