NNO - Tôi biết Nguyễn Ánh Biên – giám đốc Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Mai thông qua Nguyễn Mạnh Thùy - Chủ tịch CLB doanh nghiệp Xuân Đỉnh, Hà Nội. Gần đây, tại Đại hội Liên hiệp Các hội UNESCO thế giới, Ban tổ chức dành một lễ tri ân giản dị, trang trọng dành cho các nhà tài trợ. Giữa hàng trăm doanh nhân và quan khách quốc tế, Nguyễn Ánh Biên và TS. Trần Quí Thanh – CT HĐQT Tập đoàn Tân Hiệp Phát là hai Mạnh Thường Quân tương đối “đặc biệt” bởi họ không dùng caravat. Giám đốc Biên trông không được tự nhiên cho lắm khi khoác lên mình bộ comple. Da anh rám nắng, trán cao cùng dáng vẻ phong trần. Người đàn ông tuổi Kỷ Dậu này đang độ chín trong nghiệp kinh doanh và anh luôn tỏ ra hạnh phúc khi nhắc tới gia đình.
Tôi chưa kịp nhấp chén trà nóng thì giám đốc Biên đã sang sảng “Thời buổi này không kinh doanh có mà chết đói”. Khí chất “làm ăn” trong con người Nguyễn Ánh Biên được nuôi dưỡng từ nhỏ và toát lên tự nhiên như chính con người anh. Anh chia sẻ, gia đình có truyền thống kinh doanh từ thời bao cấp. Mẹ đi chợ gạo, bố là cửa hàng trưởng một cửa hàng ăn uống ở Bưởi. Đồng thời, đại gia đình cũng tham gia sản xuất bánh mứt kẹo – nghề cổ truyền của làng nghề Xuân Đỉnh nổi tiếng một thời.
Con đường làm kinh tế cá thể của Nguyễn Ánh Biên không thực sự bằng phẳng. Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, anh trở về địa phương làm công nhân sản xuất pháo rồi lái xe cho công ty vận tải thương nghiệp. Không đủ sức khỏe điều khiển những chiếc xe chở xi măng có trọng tải lớn, chàng trai trẻ xin nghỉ việc và tự mua một chiếc xe tải nhỏ để mưu sinh. Chậm rãi châm điếu thuốc, Giám đốc Biên hồi tưởng lại quá khứ bởi đó là tuổi trẻ của anh. Năm 1997 là cột mốc đáng nhớ đến cuộc đời Nguyên Ánh Biên cũng như nghiệp kinh doanh hiên tại. Anh lập gia đình và bắt đầu kinh doanh hàng tạp hóa. Đến năm 1998, hai vợ chồng đi giao hàng và phân phối nhỏ lẻ các mặt hàng nhu yếu phẩm. Tự đi giao hàng và nắm bắt thị trường, anh nhanh chóng nhận ra cơ hội kiếm tiền từ ngành phân phối còn tương đối mới mẻ.
Vượt qua những khó khăn về tài chính, nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm, cửa hàng của vợ chồng Nguyễn Ánh Biên dần lớn mạnh. Nhằm chuyên nghiệp hóa trong công tác tổ chức kinh doanh, Anh mạnh dạn thành lập Công ty TNHH thương mại XNK Hoàng Mai vào cuối năm 2005. Đây là thời điểm Hoàng Mai bắt đầu phát triển trên diện rộng dựa trên uy tín đã được tạo lập từ trước. Từ một đơn vị phân phối nhỏ lẻ, Hoàng Mai vươn lên trở thành đại lý phân phối cấp một của các thương hiệu lớn trong lĩnh vực hàng thực phẩm, công nghệ phẩm như: Acecook Việt Nam, Kirin Việt Nam, bánh kẹo Hải Châu, dầu thực vật Tân Bình, mì Vifon, mì Miliket, bia Việt Hà… tại khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Theo giám đốc Biên, nhiều khách hàng là đối tác truyền thống từ cách đây hàng chục năm vì Công ty được đánh giá cao về nhân sự, kho tàng và hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, gồm đội xe 15 ô tô tải và 02 xe nâng chuyên dụng bốc dỡ hàng.
Nguyễn Ánh Biên cho rằng xuất phát điểm của nền kinh tế Việt Nam thấp hơn so với khu vực và thế giới nên các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. “Xu hướng hiện nay, doanh nghiệp nói chung gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Nếu lãi suất tiếp tục bất ổn như thời gian vừa qua thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị “rung” vì không đủ tiềm lực tài chính”. Tôi hỏi giám đốc Biên về doanh thu hằng năm hơn 100 tỷ của công ty Hoàng Mai là mạnh hay yếu, Anh chỉ cười và nói rằng “Hoàng Mai phải “sống” vì công ăn việc làm của gần 100 nhân viên”. Nói về tố chất của người lãnh đạo, Anh cho rằng họ không thể chỉ nghĩ cho bản thân “Nếu họ có tư duy tốt thì doanh nghiệp tốt. Họ không đặt ra được kế hoạch thì doanh nghiệp khó có thể phát triển”. “Điều quan trọng nhất là tư duy phải cao hơn và luôn đi trước người khác 2 bước.”, Anh chia sẻ.
Phía trước cửa kho của công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Mai giăng ngang một khẩu hiệu lớn “Khách hàng là người trả lương, mình là người nhận, hãy nâng niu kính trọng họ”. Thấy tôi ngỡ ngàng trước câu slogan đặc biệt, Anh bày tỏ “Tôi cũng là người được nhận lương từ khách hàng. Nếu tôi làm tốt thì khách hàng trả lương cao. Tôi phục vụ kém thì khách hàng trả lương…cho người khác”. Thông thường, các doanh nghiệp thuê chuyên gia maketing sáng tạo nên slogan có nội dung cô đọng và hàm súc, thể hiện tinh thần, tư tưởng của công ty. Đằng này, Nguyễn Ánh Biên tự viết khẩu hiệu, tự diễn giải theo lối nghĩ mộc mạc và hết sức thẳng thắn. Anh bảo :”Khách hàng là chủ, chúng tôi là nhân viên”.
Thấm nhuần lợi dạy “Phi thương bất phú” của mẹ, Nguyễn Ánh Biên và các anh chị em đều tham gia kinh doanh cá thể chứ “không ai là người nhà nước”. Đặc biệt, đại gia đình của giám đốc Biên có tới 5 công ty hoạt động độc lập trong các lĩnh vực khác nhau như thể thao, sản xuất nước tinh khiết, vàng, phân phối hàng. “Kết hợp kinh doanh, chúng tôi được san sẻ niềm vui, nỗi buồn và cùng tháo dỡ khó khăn. Giống như lực cộng hưởng, trụ sở cả 5 công ty đều quây quần tại Xuân Đỉnh, phát triển thuận lợi và có nhiều đóng góp cho xã hội”. Không giấu niềm tự hào nhưng doanh nhân Nguyễn Ánh Biên vẫn tỏ ra tiếc nuối khi không ai trong gia đình theo đuỏi nghề sản xuất bánh mứt kẹo truyền thống. “Chữ làng và chữ nghề gắn bó với nhau. Đây là nghề cổ truyền của các dòng tộc và cộng đồng dân cư Xuân Đỉnh. Giữ nghề cũng chính là giữ phần hồn của cả làng. Nếu nghề bị mai một hoặc thất truyền thì Xuân Đỉnh sẽ mất đi một nét văn hóa đặc biệt.”, Anh trăn trở. Giám đốc Biên vẫn nhớ như in từng công đoạn làm thành phẩm mứt bí; từ vào vôi, luộc, phơi nắng cho đến đảo đường. Tất cả quá trình này phải thực hiện thủ công và có đất để phơi nắng. Tuy nhiên “Năm nay cả làng chỉ còn 12 hộ tham gia sản xuất bánh mứt kẹo vì hệ lụy của quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh”. Đau đáu với nghề truyền thống và muốn cùng tham gia khôi phục làng nghề nhưng dự án khu trung tâm thương mại trị giá hàng trăm tỷ đồng của công ty Hoàng Mai khiến anh phải gác lại mọi tâm tư riêng. Gây dựng lại cơ nghiệp của tổ tiên không phải là chuyện một sớm một chiều. Tôi đồ rằng, mong muốn được bày bán các sản phẩm bánh mứt kẹo mang thương hiệu Xuân Đỉnh tại trung tâm thương mại mới sẽ là niềm vui lớn nhất đối với vị doanh nhân có nhiều tâm huyết này.
Trường Giang
(Tạp chí Ngày Nay số 9)
(Tạp chí Ngày Nay số 9)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét