NNO - Cuộc thi Vietnam Idol 2010 đã khép lại và cũng để lại dấu ấn của một sự kiện sinh hoạt văn hoá khá nổi bật, gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn truyền thông và mạng xã hội. Phóng viên Lệ Hằng, Tạp chí Ngày Nay, đã có cuộc trao đổi về sự kiện này với nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội UNESCO Thế giới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay.
PV LH: Thưa Ông, với tư cách là người lãnh đạo của một của một tổ chức văn hoá và cơ quan truyền thông, Ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng khá sôi nổi diễn ra xung quanh cuộc thi Vietnam Idol 2010? Ông NXT: Những gì diến ra với Vietnam Idol 2010 đã làm cho hoạt động này không chỉ dừng lại như một sinh hoạt văn hoá vốn có mà trở thành một hiện tượng truyền thông. Quả thực, thấy khắp nơi nhiều người bàn tán về sự kiện này, không chỉ thanh niên mà cả nhiều người lớn tuổi cũng tham gia ý kiến. Sự kiện ấy thực sự biến thành một hiện tượng truyền thông nóng bỏng như thể lửa đổ thêm dầu kể từ thời điểm báo chí công bố những lời bình phẩm thẳng thắn của một số anh chị em nghệ sĩ về khía cạnh hạn chế của người vừa đăng quang Việt Nam Idol năm nay: Uyên Linh.
Nhà ngoại giao, Nhà báo Nguyễn Xuân Thắng. TTK Liên hiệp các Trung tâm, Câu lạc bộ UNESCO Thế giới, Chủ tịch LH Các Hội UNESCO Việt Nam
PV LH: Vậy theo Ông đâu là nguyên nhân của sự bùng phát truyền thông này, tích cực hay tiêu cực?
Ông NXT:Bản thân tôi cũng giống nhiều người Việt Nam khác, tuy quan tâm đến đời sống văn hoá của đất nước, rất yêu âm nhạc, nhưng trong những năm gần đây thường bị rơi vào trạng thái thờ ơ bởi thực trạng âm nhạc tại Việt Nam. Thay vào đó là sự trăn trở, lo âu về thị hiếu âm nhạc của thanh thiếu niên, của đại chúng trước sự lên ngôi dường như không thể cưỡng lại của dòng âm nhạc thị trường. Để có thái độ khách quan hơn về Vietnam Idol 2010, tôi đã cố gắng tìm đọc tư liệu, bài viết, phỏng vấn, đánh giá liên quan đến kết quả cuộc thi, nghe lại các bài hát của các em thí sinh được lọt vào các vòng trong, cố gắng xem và tìm hiểu biểu hiện của các em, đặc biệt của Uyên Linh để qua đó có thể hiểu rõ hơn vì sao công chúng lại dành cho em nhiều tình cảm nồng nhiệt đến như vậy.
Nhờ các công cụ tìm kiếm trên internet tôi kinh ngạc nhận ra rằng Vietnam Idol 2010 và Uyên Linh đã thực sự trở thành hiện tượng truyền thông nóng hổi nhất, vượt lên trên tất cả các sự kiện kinh tế, văn hoá và xã hội trong thời gian qua ở Viêt Nam, trên cả sự kiện được cho là ‘nóng’ nhất trước đó là tiến sĩ Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng toán học Fields cách đây 5 tháng. Thật đáng ngạc nhiên, chỉ trong hơn hai tuần mà hai video clip hit của Uyên Linh là ‘Cảm ơn tình yêu’ và ‘Chỉ là giấc mơ’ đạt ngưỡng 1,2 và 1,5 triệu lượt người xem với 12 nghìn ý kiến phản hồi cho cả hai clips. Đây là hiện tượng rất hiếm thấy ở Việt Nam và cũng là ước mơ của những người làm truyền thông thế giới.
Đứng trước hiện tượng bùng phát thông tin từ các diễn đàn xã hội, là một người làm công tác báo chí, chúng tôi không khỏi suy nghĩ về nguyên nhân đằng sau đó. Liệu có phải đây hiện tượng mà có người gọi là "phản truyền thông" do phản ứng ngược chiều dữ dội của dư luận sau khi các phương tiện thông tin đại chúng tung ra những ý kiến trái chiều với đánh giá của công chúng? Hay đây chỉ là là sự ‘a dua’ của đại chúng mà đa số là ‘thiếu hiểu biết’ về chuyên môn, hoặc đơn giản ‘chỉ là phản ứng dây chuyền của các mạng xã hội’ như nhạc sĩ Lê Minh Sơn và một số người kết luận?
Lựa chọn theo xác suất một số trang tin và báo điện tử Việt Nam tôi đã cố gắng đọc, phân tích phản hồi của công chúng liên quan đến các bài báo nhận xét nhược điểm của Uyên Linh (giadinh.net.vn, thethaovanhoa.vn, afamily.vn, baaomoi.com, tintuconline.com.vn), cho thấy có khoảng 4% phản hồi ủng hộ đánh giá của NSUT Thanh Lam và nhạc sĩ Lê Minh Sơn, khoảng 2% ý kiến phản ứng lại thái độ yêu mến thái quá của đại chúng dành cho Uyên Linh, chê công chúng Việt Nam là ‘a rua, thiếu hiểu biết’. Trên 90% phản hồi còn lại tập trung vào các nội dung sau:
- Khẳng định tình cảm nồng nhiệt, sự cổ vũ to lớn và niềm tự hào dành cho thần tượng âm nhạc Việt Nam, cho rằng Uyên Linh đã thức tỉnh sự quan tâm của họ đối với âm nhạc, đã kéo họ trở lại với âm nhạc Việt Nam;
- Phản ứng gay gắt về cách ứng xử hẹp hòi của một số nghệ sĩ đàn anh đàn chị đối với đàn em tài năng mới bước vào nghề. Phê phán tính tự cao tự đại của một số nghệ sĩ cậy trình độ chuyên môn được đào tạo bài bản nhưng nghệ thuật của họ thì không tới được trái tim của công chúng.
- Bày tỏ sự chán chường, bất mãn đối với dòng âm nhạc thị trường hiện nay và tẩy chay những tìm tòi mang tính hình thức, phô trương hào nhoáng, những biểu hiện lập dị bế tắc của một số nghệ sĩ trong lĩnh vực ca hát, đồng thời khẳng định những gì mà Uyên Linh đã thể hiện trong cuộc thi vừa qua mới là thứ mà công chúng đang rất cần, đang rất khao khát: Đó là sự chân thật, chân thành và giản dị trong nghệ thuật.
Một số phản hồi được trình bày công phu, nghiêm túc, có ý kiến dài gần 1000 từ, tương đương một bài báo, thể hiện sự quan tâm và nhệt tình của công chúng đối với chủ đè này. Nhiểu ý kiến thể hiện trình độ học vấn, tinh thần xây dựng, thái độ trách nhiệm, kiến thức văn hoá và xã hội sâu sắc.
Để làm rõ hơn nhận xét này tôi xin nêu lại kết quả cuộc bỏ phiếu thăm dò dư luận đối với Vietnam Idol 2010 trên tintuconline.com.vn. Trong tổng số 97.575 lượt người tham gia bỏ phiếu tính đến ngày 07/01/2011 thì có 93.556 phiếu (95,88%) đánh giá Uyên Linh được chọn làm Vietnam Idol 2010 là ‘hoàn toàn xứng đáng’, 3.415 phiếu (3,5%) là ‘ủng hộ Mai Hương’ và 604 phiếu (0,6%) là ‘ý kiến khác’. Những kết quả trên đây là minh chứng khẳng định thêm một lần nữa Uyên Linh hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu của ‘Thần tượng Âm nhạc Việt Nam’, khẳng định sự sáng suốt của Ban Giám khảo của cuộc thi này.
Với sự tham gia đông đảo công chúng lên đến hàng chục nghìn người bỏ phiếu và bày tỏ quan điểm khá rõ ràng trên các phương tiện truyền thông công cộng, chúng ta sẽ thật có lỗi nếu kết luận là đại chúng Việt Nam chỉ biết ‘a rua’ hoặc ‘thiếu trình độ chuyên môn’ khi họ bày tỏ thái độ và quan điểm của mình về các vấn đề văn hoá, xã hội.
Hiện tượng 'bùng nổ' thông tin này làm cho Vietnam Idol không còn là một cuộc thi ca hát thông thường, không còn là hiệu ứng ‘phản ứng dây chuyền’ do công chúng quá yêu mến Uyên Linh. Hiệu ứng đó đã xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa hơn động cơ ca hát, cao hơn nhu cầu giải trí và đã vượt lên trên một số tiêu chí văn hoá thuần tuý. Hiệu ứng đó thể hiện tính tự giác, ý thức công dân và trình độ dân trí của đại chúng ở Việt Nam đang ngày càng cao khi họ phải đứng trước những tiêu chí cần phải lựa chọn, thể hiện sự chán chường và bất mãn của đại chúng đối với dòng nghệ thuật thương mại đang tự do phát triển và mất phương hướng hiện nay, đặt trách nhiệm cho những người quản lý văn hoá cũng như các nghệ sĩ đang hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật ca hát - trong đó Uyên Linh đang đóng vai như một gạch nối giữa hiện trạng với tương lai của dòng ca khúc Việt Nam.
PV LH: Chúng tôi biết Ông là một người yêu nghệ thuật, thời kỳ tu học KHKT ở nước ngoài Ông đã từng được nhà trường phát hiện khả năng ca hát và cho học thêm thanh nhạc trong suốt 5 năm tại một nhạc viện khá tên tuổi. Với kinh nghiệm đó Ông đánh giá thế nào về vai trò thanh nhạc và kiến thức chuyên môn đối với một ca sĩ đoạt giải trong lĩnh vực nhạc nhẹ như Vietnam Idol hoặc Sao Mai Điểm Hẹn?
Ông NXT: Chắc chị muốn đề cập đến những lời nhắc nhở và đánh giá của NSUT Thanh Lam về những hạn chế kỹ thuật thanh nhạc, về trình độ chuyên môn của Uyên Linh? Phải đọc kỹ toàn bộ ý kiến của Thanh Lam, phải bình tĩnh và công tâm mà nhận xét thì thấy các ý kiến đó có lý trên nhiều khía cạnh, thậm chí rất bổ ích cho các em ca sĩ trẻ mới bước vào nghề. Vấn đề là những đánh giá mang tính xây dựng đó đã bị công khai hoá không cần thiết vào một thời điểm không phù hợp nên đã trở thành tác dụng châm ngòi cho một một cuộc bùng nổ truyền thông đáng gọi là ‘để đời’ – mà trách nhiệm chủ yếu là thuộc về nhà báo và các cơ quan truyền thông. Nhưng xét về một khía cạnh nào đó và công bằng mà nói thì chị Thanh Lam đã có công gõ một hồi chuông khá bạo tay vào Vietnam Idol 2010 để làm cho nó vang dội hơn, và dù là tác dụng ngược chiều, nhưng cũng là một thứ xúc tác đủ mạnh để cuốn hút thêm sự quan tâm, để thức tỉnh thêm trách nhiệm của hàng vạn người đối với đời sống âm nhạc đương đại của chúng ta, đồng thời góp phần đưa Uyên Linh lên vị trí ‘nóng’ hơn trên các phương tiện truyền thông năm nay ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc có nên đề cập đến phạm trù thanh nhạc hoặc trình độ chuyên môn chính quy khi gắn chúng với dòng ca khúc hoặc nhạc pop như Vietnam Idol hoặc SMĐH ? Tôi không phải là nhà chuyên môn về thanh nhạc, nhưng theo tôi hiểu, với dòng âm nhạc cổ điển thì thanh nhạc, ngoài các kỹ thuật căn bản chung, đó là quá trình luyện tập bài bản bắt buộc, thậm chí là gian khổ để hướng bộ thanh đới bẩm sinh của người ca sĩ cộng với kỹ thuật sử dụng thành đới và vòm họng vào đúng cữ giọng phù hợp theo những chuẩn mực mà ngành thanh nhạc chính thống quy định, ví dụ là bass, baritone, tenor, countertenor đối với nam, là contralto, mezzo-soprano, soprano dành cho nữ. Tuân thủ nguyên tắc đến mức bảo thủ kỹ thuật thanh nhạc, đó chính là sự bảo đảm cho thành công của các ca sĩ đi theo hệ thanh nhạc chính thống và cổ điển. Do đó người nghe cũng phải có kiến thức và phải học nghe thì mới hiểu, mới thấy được cái hay, cái cao siêu bác học của thanh nhạc cổ điển.
Trong khi đó thì lĩnh vực hát ca khúc lại ngược lại, người nghệ sĩ luôn hướng đến sự tự do tìm tòi, thường xuyên đổi mới bản thân, đổi mới cách thể hiện, đổi mới kể cả giọng ca (nếu ca sĩ may mắn có được khả năng đó) để luôn tạo ra được cái mới và độc đáo nhằm đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu và trình độ muôn hình vạn trạng của công chúng. Bởi vậy khái niệm thanh nhạc đối với ca sĩ dòng nhạc pop cần được hiểu là rất tương đối và phóng khoáng. Trên thực tế dù ai đó có giọng đẹp bẩm sinh mà muốn trở thành một ca sĩ opera tài năng cũng không thể không trải qua nhiều năm tháng được dạy dỗ, tập luyện theo một hệ thống thanh nhạc chính quy bài bản. Ngược lại, thật khó tìm ra được tên tuổi một ca sĩ nhạc pop nào đã trở thành sao, divo hoặc diva mà chỉ nhờ vào hệ đào tạo chính quy. Một số diva huyền thoại của dòng nhạc pop thế giới nửa đầu thế kỷ XX như Edith Piaf, Marlene Dietrich, sau này có Mireille Mathieu, Lili Ivanova, Diana Ross như nhiều người biết… đều đến với duyên âm nhạc như một sự tình cờ được phát hiện, cũng có người ‘một nốt nhạc bẻ đôi không biết’ và sau đó mới được học hành dần cùng với sự đi lên của sự nghiệp ca hát. Rất nhiều ca sĩ dòng nhạc pop ở Âu, Mỹ xuất thân từ đường phố. Bởi vậy, trường hợp của Uyên Linh và của biết bao nhiêu ca sĩ Việt Nam đến với âm nhạc từ phong trào ca hát không chuyên trong điều kiện chưa qua trường lớp chính quy cũng là chuyện rất thường tình và dễ hiểu, lẽ ra không cần phải trầm trọng hoá điều này trên công luận.
Nhưng đối với người làm nghệ thuật nói chung thì cái quan trọng nhất, quan trọng hơn cả ‘được đào tạo’ hay 'trình độ chuyên môn' lại chính là những tố chất bẩm sinh liên quan đến năng lực cảm thụ, sự nhạy cảm và khả năng thể hiện… Thiếu những tố chất đó thì dù có học đến bao nhiêu cũng không thể thành nghệ sĩ lớn, đặc biệt là đối với dòng nhạc tự do như ca khúc và nhạc pop (ở đây không nói đến những thành công nhờ công nghệ lăng xê trong ngành thương mại giải trí – những cái đó không gọi là văn hoá hay nghệ thuật). Cái mà nhà báo Diễm Quỳnh nhận xét rằng ‘Uyên Linh có tài làm người khác phát điên’, cái mà nhạc sĩ Quốc Trung nói đến và sau này được hàng trăm khán giả nhắc lại, rằng ‘Uyên Linh có khả năng chạm vào trái tim khán giả’ chính là nói về những tố chất quý giá đó. Học hành đào tạo là cần thiết nhưng không quyết định để tạo nên một nhân tài dòng ca khúc, mà đóng vai trò chắp thêm cánh cho họ. Chỉ có những tố chất căn bản và năng khiếu mới làm nên sự sang trọng, hoàn chỉnh cho các sản phẩm nghệ thuật. Cái đó chính là nội lực và đẳng cấp của một nghệ sĩ, làm cho người nghệ sĩ nối kết được họ với công chúng, cho họ năng lực khuấy động nguồn cảm xúc ẩn chứa trong công chúng để tạo nên thành công. Những tố chất đó không thể học mà thành, không thể cố mà được, nó là món quà của Tạo Hoá và rất hiếm hoi. Bởi vậy, nếu phát hiện được điều đó chúng ta nên biết nâng niu, trân trọng, khuyến khích, bồi dưỡng để nó phát triển.
PV LH: Ông đánh giá thế nào về trách nhiệm của nhà báo khi đứng trước những hiện tượng bùng phát thông tin như thế này?
Ông NXT: Tuy gọi là ‘bùng phát thông tin’ nhưng cũng chỉ là một hiện tượng liên quan đến sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Tuy nhiên, qua theo dõi tôi phát hiện một số người mặc dù có chức năng cầm bút nhưng đã cố tình làm cho tình hình trở nên nhạy cảm hơn, trầm trọng hơn. Đó là điều mà nhà báo có lương tâm nên tránh. Ví dụ, việc bình phẩm ca sĩ Mỹ Linh lấn át Uyên Linh khi hai người hát chung trong đêm đăng quang Vietnam Idol, việc viết bài hoặc đưa tin theo chiều hướng suy diễn dựa trên những giả định thiếu căn cứ thu thập từ 'nguồn dư luận' về Uyên Linh là những việc không nên làm. Đó không phải là tự do báo chí, cũng không phải là mục đích và cách làm việc của nhà báo. Những việc làm đó không đóng góp được gì cho xã hội ngoài việc chia rẽ, gây thêm bức xúc cho công chúng, tạo thêm khó khăn cho sự phát triển, chiết giảm sự thành công và cái đẹp của đời sống. Tôi khâm phục, kính trọng cách ứng xử khôn khéo, điềm tĩnh của nghệ sĩ Mỹ Linh và Uyên Linh trước những dư luận kiểu này.
PV LH: Xin Ông cho biết thêm ý kiến riêng về thần tượng âm nhạc Việt Nam 2010 và những kỳ vọng của Ông đối với âm nhạc Việt Nam trong thời gian tới?
Làm cho nhiều triệu trái tim thức tỉnh vì âm nhạc, đưa họ trở về với niềm say mê ca khúc Việt Nam, để được nghe hàng nghìn người yêu nhạc bày tỏ nỗi khát khao, mong đợi về một nền âm nhạc có tầm văn hoá cao hơn – đó là những gì mà Uyên Linh đã làm được trong thời gian qua. Đây cũng là đóng góp ban đầu của Uyên Linh cho âm nhạc Việt Nam. Điều đó còn có ý nghĩa hơn cả giải thưởng Vietnam Idol mà em vừa giành được.
Sắp tới, chọn con đường phấn đấu theo tấm gương các nữ hoàng nhạc pop thế giới, nổi tiếng, phú quý giàu sang, hay cống hiến cho nền âm nhạc và nghệ thuật nước nhà bằng con đường riêng của em – với một cô gái thông minh lại được học hành tử tế để có thể trở thành một chính khách như Uyên Linh, tôi tin rằng em có đủ bản lĩnh để tự quyết đinh.
Tôi không có ý định ví em với ‘chim sẻ nhỏ’ của nền ca khúc nước Pháp, Edith Piaf, nhưng tôi vẫn mong muốn được gọi em là ‘én nhỏ Việt Nam’ báo hiệu một Mùa Xuân mới của dòng ca khúc Việt Nam đang cần đổi mới và phát triển.
(Tạp chí Ngày Nay)
Theo Unet.vn
TRUNG TÂM THÔNG TIN UNESCO – UNET
Tầng 9, khách sạn Thể thao HACINCO, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Email: son@madeinvn.vn
Điện thoại: (+844) 2248 7777 - 2249 7777 - Fax: (+844) 3557 1367.
TRUNG TÂM THÔNG TIN UNESCO – UNET
Tầng 9, khách sạn Thể thao HACINCO, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Email: son@madeinvn.vn
Điện thoại: (+844) 2248 7777 - 2249 7777 - Fax: (+844) 3557 1367.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét