Radio Ngay Nay Online

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

KHU TƯỞNG NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH BIỂU TƯỢNG SINH ĐỘNG TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM – THÁI LAN

Vừa qua, tại tỉnh Udon Thani (Thái Lan), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khonkaen, Tổng hội Việt kiều và Ban quản lý Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Uđon Thani đã phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – đơn vị tài trợ chính, tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những sự kiện diễn ra cùng với Lễ cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm đã gây ấn tượng và xúc động sâu sắc trong lòng bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan, thể hiện sinh động tình cảm thân thiện của nhân dân hai nước đối với Bác Hồ kính yêu và dân tộc Việt Nam.
Khu tưởng niệm tọa lạc trên diện tích 6.500 mét vuông, tại làng Nngổn, xã Xiêngphin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sinh sống và hoạt động cách đây 83 năm để xây dựng các tổ chức yêu nước chống thực dân của kiều bào Việt Nam, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chuẩn bị cho cuộc vận động thành lập Đảng ở trong nước.
Những ngày tháng hoạt động tại đây (từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929) Nguyễn Ái Quốc với nhiều tên gọi khác nhau như: ông Thọ, Nam Sơn, Chín, được đồng bào và nhân dân Thái Lan gọi bằng cái tên thân thương, gần gũi là Thầu Chín (hay là ông già Chín) đã ghi đậm dấu ấn một quãng thời gian hoạt động gian khổ trong hành trình vạn dặm đi tìm đường cứu nước của Người. Ngoài những hoạt động như chấn chỉnh, xây dựng tổ chức, dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền và huấn luyện cho cán bộ hoạt động ở Xiêm, các buổi tối, Người thường tổ chức nói chuyện với bà con Việt kiều, giáo dục Việt kiều tôn trọng pháp luật và phong tục tập quán của nhân dân Xiêm. Người khuyên mọi người học chữ quốc ngữ và học chữ Xiêm để hiểu biết, xây dựng  tình cảm với nhân dân Xiêm. Người sống và sinh hoạt giản dị, Người cùng lao động như mọi người, cùng vỡ đất, làm vườn trồng rau, chăn nuôi gà, lợn... nên được bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan yêu mến, giúp đỡ đùm bọc. Những hoạt động của Người đã khơi đậy tinh thần yêu nước trong kiều bào và tình cảm thân thiết của nhân dân Thái Lan đối với dân tộc Việt Nam và cách mạng Việt Nam. Sau này, không chỉ đồng bào Việt kiều mà chính quyền và nhân dân Thái Lan đều tự hào về khu di tích có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn này.
Năm 2002, sau khi trưng cầu ý dân, chính quyền Thái Lan và Hội Việt kiều tại tỉnh Udon Thani đã thống nhất xây dựng nơi đây thành Trung tâm giáo dục, nghiên cứu, học tập và du lịch mang tính lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần tăng cường sự hiểu biết về mối quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam – thái Lan; tạo thêm thu nhập cho nhân dân địa phương thông qua các hoạt động về dịch vụ du lịch.

Cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm.
Điều đặc biệt của Khu tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây, lại do chính quyền địa phương của Thái Lan quyết định thành lập và trực tiếp quản lý, xây dựng. Ngày 29/10/2003, Tỉnh trưởng tỉnh Udon Thani ký quyết định phê duyệt bản tóm tắt dự án phát triển Trung tâm giáo dục và du lịch mang tính lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời quyết định bổ nhiệm Uỷ viên Ban Huy động vốn và Ban Thu thập tư liệu, hiện vật. Huyện Mương được giao là cơ quan trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và phát triển Khu tưởng niệm.
Ngày 1/7/2003, chính quyền huyện Mương ký quyết định thành lập Ban Thông tin, thiết kế khu vực và sơ đồ khuôn viên; thành lập Ban Xây dựng phát triển Khu tưởng niệm Bác Hồ do Chủ tịch huyện làm Trưởng ban. Các quan chức địa phương thuộc các cấp, các ngành có liên quan cùng với một số bà con Việt kiều tại tỉnh Udon Thani tham gia trong Ban xây dựng và phát triển Khu tưởng niệm. Hội đồng nhân dân xã Xiêngphin chịu trách nhiệm toàn bộ việc phục hồi, xây dựng, phát triển và bảo quản khu di tích. Sau Lễ khởi công, Ban Quản lý Khu tưởng niệm đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan chức năng địa phương, đặc biệt Trường Đại học sư phạm Rachaphắt Uđon đã hợp tác và chủ trì trong việc nghiên cứu và chỉ đạo việc xây dựng; Bảo tàng Hồ Chí Minh tư vấn về chuyên môn và cung cấp thông tin tư liệu lịch sử liên quan đến Khu tưởng niệm.
Trải qua ba giai đoạn nghiên cứu, xây dựng và phục dựng, đến nay Khu tưởng niệm đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính của công trình, bao gồm: khuôn viên Khu di tích gồm tường rào, vườn hoa, cây xanh; ngôi nhà Bác Hồ đã từng sống và làm việc năm 1928 (được phục dựng lại theo lời kể của các nhân chứng đã từng chứng kiến đời sống và làm việc của Bác Hồ) gồm nhà ở, nhà bếp, khu chăn nuôi; nhà đa năng, gồm có ban thờ, phòng trưng bày hình ảnh hoạt động của Bác Hồ ở Thái Lan, cuộc sống sinh hoạt của bà con Việt kiều và những hoạt động quan hệ Việt Nam – Thái Lan, thư viện và phòng chiếu phim; ngoài ra, còn các hạng mục phụ trợ khác.
Nhà làm việc của Bác tại làng Nọngổn năm 1928, phục dựng theo lời kể của các nhân chứng lịch sử
Với giá trị lịch sử sâu sắc của Khu tưởng niệm, đông đảo bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan hưởng ứng. Các doanh nghiệp cũng như cá nhân phía Việt Nam cũng đã ủng hộ kinh phí xây dựng và hoàn thiện cơ bản các hạng mục của công trình. Phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Khốmăn Ệkachai, Tỉnh trưởng tỉnh Uđon Thani nhấn mạnh: Ngoài ý nghĩa văn hóa và lịch sử, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thái Lan, là tấm lòng thành kính của người dân Thái Lan, trong đó có đồng bào Việt kiều đối với Bác Hồ kính yêu và dân tộc Việt Nam.
Nhà Đa năng trong Khu tưởng niệm
Nhân dịp này, một số cơ quan, cá nhân trong nước và ở Thái Lan đã gửi tặng Khu tưởng niệm nhiều tư liệu, hiện vật, kỷ vật có giá trị lịch sử, văn hoá liên quan đến Bác Hồ. Đặc biệt, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã mở đợt phát động cán bộ, công chức sưu tầm, quyên góp tặng Khu tưởng niệm 100 bức ảnh tư liệu, hơn 400 cuốn sách về cuộc đời hoạt động của Bác và nhiều sáng tác văn học, nghệ thuật về Người. Trong và sau Lễ khánh thành, nhiều bà con Việt kiều đã công đức kinh phí để tiếp tục hoàn thiện và phát triển Khu tưởng niệm ngang tầm với tầm vóc lớn lao của Người – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới./.
          TS.Nguyền Thành Vinh
(Tạp chí Ngày Nay số 10)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online