Radio Ngay Nay Online

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Hệ động thực vật đang đối mặt với nhiều thách thức mới

Với khoảng 2,5 triệu km², Địa Trung Hải là vùng biển kín lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là cái nôi của rất nhiều nền văn hóa, trong đó phải kể tới các nền văn minh Lưỡng Hà, Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại. Tuy nhiên, do tác động của toàn cầu hoá, vùng biển này đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi lên là tình trạng ô nhiễm, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức…
Với diện tích trải dài qua 22 quốc gia và vùng lãnh thổ và hơn 600 thành phố lớn nhỏ nằm ven bờ, Địa Trung Hải được ví như một thế giới thu nhỏ với hệ động - thực vật phong phú và những nền văn minh đa dạng, giàu bản sắc.
Tuy nhiên, dưới tác động của thời gian và tình trạng Trái Đất ấm lên, Địa Trung Hải đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trước hết là sự thay đổi về môi sinh và khí hậu. Địa Trung Hải rất dễ tổn thương về mặt khí hậu. Không kể nước vào qua eo biển Gibralta, biển Địa Trung Hải về mặt lưu lượng nước là âm”. Nhà khoa học Ghani Chehbouni, đồng giám đốc điều hành chương trình nghiên cứu Mistrals khu vực nam Địa Trung Hải, có trụ sở tại Cairo (Ai-cập) phân tích. “Cách đây 5 triệu năm, do các chuyển động địa chất, eo biển Gibraltar bị đóng lại, Địa Trung Hải đã gần như khô cạn. Mực nước rút xuống thấp hơn 1.500 mét so với hiện nay.
Tác động của biến đổi khí hậu
Giáo sư Jean - François Stephan, Khoa học địa cầu, giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về các khoa học vũ trụ châu Âu cho rằng  tại khu vực này, các tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người rất rõ rệt. Trong nhiều năm qua, vùng biển Địa Trung Hải đã phải hứng chịu nhiều hệ quả, đặc biệt là sự suy giảm của các tầng đại dương. Ở Địa Trung Hải, tác động này diễn ra nhanh hơn gấp bội, ví dụ như nước bẩn từ một bên bờ này chạy xuống biển, thì với các dòng nước đi ngang và đi lên, nước bẩn thải ra từ bờ này sẽ tác động ngay lập tức đến bờ biển phía bên kia.
Theo các nghiên cứu, thảm thực vật và các loài động vật tại Địa Trung Hải, có tới 17.000 loài đã được thống kê. Số các loài mới hiện nay được tính là 600 loài. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, nhiều loại sinh vật, động thực vật ở biển Địa Trung Hải đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, phải kể đến khoảng 10 loại cá thuộc giống có xương sống. Nhiều loài cá nổi tiếng, vẫn thường được dùng làm thực phẩm tại Châu Âu, như cá ngừ đỏ, cá sói, cá hét hay cá song đen cũng ngày càng trở nên khan hiếm. Chính vì thế, việc bảo vệ môi sinh ở vùng biển Địa Trung Hải là một việc làm cấp thiết hiện nay.
Để bảo vệ môi trường Địa Trung Hải, một dự án nghiên cứu quốc tế mang tên Mistrals xuyên Địa Trung Hải, nghiên cứu sâu về tác động của biến đổi khí hậu tới môi trường Địa Trung Hải đã được triển khai. Dự án này đặt ra mục tiêu nghiên cứu các tác động của con người đến vịnh Alger và vùng bờ biển Algeri.
Cho đến nay, ngoài dự án nghiên cứu xuyên Địa Trung Hải Mistrals, vẫn chưa có nhiều dự án mới nhằm bảo tồn về vùng biển độc đáo này. Hiện nay, Địa Trung Hải là điểm du lịch số một trên thế giới, thu hút khoảng 1/3 khách du lịch toàn cầu hàng năm và cũng là nơi qua lại của khoảng 1/3 số lượng tàu thuyền trên thế giới. Chính vì thế, việc bảo tồn hệ thống động - thực vật Địa Trung Hải là việc làm cần thiết, đã được UNESCO nhấn mạnh tại hội nghị về Đại dương tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên, làm thế nào để cứu Địa Trung Hải khỏi sự xâm hại của ô nhiễm, của con người tiếp tục là những câu hỏi khó đặt ra đối với giới khoa học./.
Nhật Quang
(Tạp chí Ngày Nay số 10)
 
 
* Ảnh sưu tầm mang tính minh họa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online