LTS: Tháng mười, thu đang đi từng nhịp nồng nàn, da diết trước khi chạm vào cửa ngõ của mùa đông. Tháng mười, với mỗi doanh nhân Việt còn mang một ý nghĩa đặc biệt – ngày để tôn vinh các doanh nhân với những khát vọng kinh doanh đang ngày đêm miệt mài làm giàu cho bản thân, gia đình và làm giàu cho đất nước. Toàn soạn Tạp chí Ngày nay xin gửi lời chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Chúc các Doanh nhân Việt Nam đang sinh sống và làm việc trong nước cũng như nước ngoài lời chúc sức khỏe và thành công.
Doanh nhân Lê Văn Thùa
“Bạn của nhà nông”
“Bạn của nhà nông”
Khát khao làm giàu là nguyện vọng chính đáng của mỗi người, mỗi doanh nghiệp, kể cả đảng viên. Nhưng nếu có "trí" ắt làm giàu nhanh, bền mà "sạch". Ấp ủ điều ước ấy, chúng tôi tìm đến doanh nghiệp "bạn của nhà nông" - Công ty TNHH Việt Thắng. Từ một đại lý nhỏ lẻ ở vùng chiêm trũng, đến nay doanh nghiệp này đã có 5 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật quy mô lớn ở ba miền Bắc, Trung, Nam; liên kết với 11 công ty nước ngoài, có mạng lưới tiêu thụ hơn 700 đại lý cấp 1 ở 63 tỉnh, thành phố trong nước, tạo việc làm thường xuyên cho 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng, đóng góp vào ngân sách nhà nước mỗi năm gần 100 tỷ đồng. Người chèo lái đưa con thuyền (Công ty TNHH Việt Thắng) đến với nhà nông ấy chính là Tổng Giám đốc Lê Văn Thùa.
Sinh ra ở vùng chiêm trũng, từ nhỏ chàng trai Lê Văn Thùa đã chứng kiến người dân thôn quê khó khăn, nhọc nhằn để làm ra được hạt lúa, củ khoai. Câu ca ngày nào mẹ ru “Được mùa lúa thóc chớ vụ ngô khoai” đã khắc ghi sâu thẳm trong tâm hồn tuổi thơ, và chàng trai trẻ này càng thấm thía hơn giá trị ngày mùa của nhà nông.
Quê anh vốn là vùng rốn nước (Lãng Sơn - Yên Dũng) nên có khi chỉ một trận mưa lớn cánh đồng ngập trắng, lúa khoai có khi sắp thu hoạch lại mắc vào sâu bệnh, hỏng ăn…, đói lại tiếp đói. Những băn khoăn trăn trở phải làm sao để bứt ra khỏi được cái đói, cái nghèo; nhà nước chỉ có thể lo trị thủy, bảo vệ mùa màng, còn mình phải nghĩ cách cách giữ được thành quả lao động của mình. Ý tưởng về một ngành nghề phục vụ nhà nông đã hình thành trong anh từ hơn 30 năm về trước.
Anh vào quân ngũ, nhưng những trăn trở đó vẫn theo anh, anh bàn với gia đình mở một cửa hàng nhỏ bán thuốc bảo vệ thực vật. Trước hết là để phòng trừ sâu bệnh hại lúa cho nhà mình, sau đó phục vụ bà con hàng xóm. Ngay cả người con trai ông cũng định hướng cho thi vào Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội để chuẩn bị cho tương lai. “Khi ấy tôi cũng chưa nghĩ được rằng nền nông nghiệp nước ta lại phát triển nhanh như hiện nay, mà mới chỉ ý thức được ở một đất nước nông nghiệp thì những chế phẩm phục vụ sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, giống… rất cần thiết và luôn phải đi trước một bước. Vì thế, tôi đã chọn con đường phục vụ nông dân”, anh chia sẻ.
Như người ta nói "tam thập nhi lập", còn anh lại khởi nghiệp khi đã về hưu sau gần 30 năm là lính. Anh vẫn duy trì cửa hàng đại lý bán thuốc trừ sâu cho hai công ty nhà nước, sau đó phát triển dần lên thành đại lý. “Năm 1994, tôi quyết định thành lập doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh là sản xuất gia công sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, vốn ban đầu chỉ có vài chục triệu đồng. Được tỉnh tạo điều kiện về địa điểm để đầu tư sản xuất, hơn nữa trước đó tôi đã xây dựng được mạng lưới phân phối sản phẩm ở nhiều nơi trong tỉnh, quen với các loại thuốc mà người dân các vùng thường dùng nên việc kinh doanh tương đối thuận lợi. Sản phẩm của Công ty được khách hàng gần xa tin tưởng”, anh tự hào nói về những ngày đầu thành lập công ty của mình. Vẫn đậm chất lính trong một doanh nhân, anh cởi mở khoe: “Sau đó tôi tiếp tục làm đại lý bán hàng cho các hãng thuốc bảo vệ thực vật hàng đầu của Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc. Nhập khẩu nguyên liệu, đầu tư hệ thống trang thiết bị mới, mở rộng thêm cơ sở sản xuất ở miền Trung, miền Nam để chủ động sản xuất tiện cho việc tiêu thụ trên địa bàn toàn quốc”. Để phù hợp với mô hình phát triển hiện nay, Công ty đã đa dạng ngành nghề như sản xuất thức ăn gia súc, làm hộp giấy, kinh doanh ô tô nhập khẩu…
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường cạnh tranh thêm phần gay gắt, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, giá cả hàng hoá ngày một tăng. Do tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ, lạm phát trong nước, lãi suất tiền vay ngân hàng cao khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, Công ty TNHH Việt Thắng cũng không là ngoại lệ. “Có thời kỳ rất khó khăn do hàng hoá tiêu thụ chậm, thiếu vốn, sản xuất kinh doanh đình trệ, đời sống người lao động khó khăn, nếu kéo dài sẽ dẫn đến phá sản, chúng tôi phải huy động vốn nội lực từ các thành viên Công ty, điều chỉnh lại một số mặt hàng, tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng cao nhưng giá cả hợp lý, phù hợp với người tiêu dùng”, anh nhớ lại những tháng ngày vất vả chèo lái con thuyền vượt “bão” suy thoái kinh tế.
Trong mấy năm gần đây, Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống khép kín từ sản xuất bao bì, chai lọ, tem nhãn, vận chuyển cung cấp tới tận các đại lý. Đặc biệt, Công ty chú trọng áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới quy trình, nâng cao công suất máy đóng gói, đóng chai từ 25 lên 40 chai (gói)/phút, Công ty đã nghiên cứu đóng gói túi thuốc bảo vệ thực vật bằng thiếc bạc đầu tiên ở Việt Nam thay cho các loại chai thuỷ tinh rất tiện lợi, phù hợp cho nông dân sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường. Sáng kiến này đã làm lợi cho Công ty hàng tỷ đồng, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo.
Bên cạnh đó, Công ty đẩy mạnh công tác tiếp thị, củng cố thương hiệu, áp dụng chính sách khuyến mại với những khách hàng truyền thống, chấp nhận lãi ít, thậm chí có những mặt hàng Công ty chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn. “Xây dựng hệ thống định mức nguyên liệu, tiền lương hợp lý vừa tiết kiệm, vừa tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Với những giải pháp trên, tôi đã lãnh đạo, quản lý chặt chẽ, sâu sát, động viên cán bộ công nhân viên trong cơ quan đồng tâm hiệp lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức tiếp tục phát triển và giữ vững thị trường. Vì vậy, 5 năm qua và 8 tháng đầu năm 2011, các chỉ tiêu của Công ty đều đạt tốc độ tăng trưởng trên 16%/năm”, anh vui vẻ bộc bạch.
Yếu tố nào tạo nên sự thành công ấy? Đó chính là uy tín và thương hiệu sản phẩm. “Hiện nay sản phẩm của Công ty và các sản phẩm do Công ty làm đại lý cho nước ngoài chiếm đến 25% thị phần trong nước, sản xuất trên 100 loại sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật với 300 tên thuốc khác nhau. Sản phẩm của Công ty áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001-2000 đều được đăng ký bản quyền. Đối tượng phục vụ của chúng tôi là những người nông dân nên chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng nông dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm nông sản hàng hoá có chất lượng cao, bảo vệ môi trường - một trong những tiêu chí quan trọng trong mô hình xây dựng nông thôn mới hiện nay”.
Để trả ơn những người nông dân đã tin tưởng dùng sản phẩm của Công ty, suốt gần 20 năm qua, Công ty TNHH Việt Thắng đã tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghèo. “5 năm qua, Công ty đã ủng hộ 2,1 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội. Riêng cá nhân tôi đã trích 450 triệu từ thu nhập cá nhân và 550 triệu cho các cựu chiến binh vay làm kinh tế với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt trong 10 năm qua tôi đã đầu tư 300 tỷ đồng tiền hàng hỗ trợ cho một trăm nghìn hộ nông dân nghèo, các hộ gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được trả chậm và không tính lãi để phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo”, anh cười và “khoe” với chúng tôi.
Với những gì Công ty TNHH Việt Thắng, cũng như doanh nhân Lê Văn Thùa đã đóng góp cho xã hội, tháng 8-2011 vừa qua, anh được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân". “Đây là vinh dự lớn cho tôi cũng là cho doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh có được sự ghi nhận này”.
Việc đưa sản phẩm của một doanh nghiệp đến được với người tiêu dùng đã khó, để giữ được niềm tin của khách hành lại càng khó hơn. Trong suốt gần 20 năm qua sản phẩm “bạn của nhà nông” của Công ty TNHH Việt Thắng đã làm được điều đó. “Củng cố, đánh bóng thương hiệu, tôi nghĩ đó là điều không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhưng khi sản phẩm của chúng tôi bảo đảm chất lượng, đã có chỗ đứng trong lòng nông dân, được nông dân ghi nhận thì không một "chiêu" nào có thể bền vững bằng”, anh tự hào nói về sản phẩm công ty mình khi nhận Huân chương.
Chúc Công ty TNHH Việt Thắng ngày một phát triển bền vững để nhà nông thêm tin yêu và gắn bó với sản phẩm của Công ty. Chúc anh “mát tay lái, vững tay chèo” đưa con thuyền của Công ty cập bến mỗi nhà nông thành công. /.
Hoàng Nguyên
(Tạp chí Ngày Nay số 10)
(Tạp chí Ngày Nay số 10)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét