Radio Ngay Nay Online

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

NGƯỜI LÀM SÁNG LÊN MỘT VÙNG ĐẤT

Ngành mía đường đang được coi là ngành khó khăn và ít có hiệu quả bởi nhiều nhà máy vẫn trong tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, làm ăn thua lỗ, nợ nần kéo dài. Thế nhưng về đến Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn thì mọi sự lại hoàn toàn khác. Cây mía Lam Sơn đã gắn bó với người dân nơi đây và cái nghèo đói đeo bám tưởng như không bao giờ hết, thì nay không còn, mà sự ấm no, giàu có đến với từng nhà. Cuộc sống cũng như nhiều chuyện đổi mới của nông dân vùng đất Lam Sơn này chính là đi lên từ cây mía. Một vùng mía bao la, xanh tươi ngút ngàn ôm chặt lấy khu công nghiệp mía đường Lam Sơn hiện đại và sinh thành nên một đô thị Công - Nông nghiệp - Dịch vụ, cả một vùng đất đang chuyển động theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.

Trăn trở
Đất nước đã 25 năm đổi mới thì ở vùng đất Lam Sơn cũng 20 năm vượt ngàn khó đi lên, ai ai cũng tự hào về Công ty đường Lam Sơn đơn vị anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nay là Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn và anh hùng lao động Lê Văn Tam.
Là phó giám đốc Sở Nông nghiệp Thanh Hoá, năm 1988 ông được điều về làm giám đốc nhà máy đường Lam Sơn trong lúc nhà máy gần như nằm im lặng vì thiếu nguyên liệu, thiết bị và công nghệ lại không được chuyên gia chuyển giao, sản xuất ì ạch chỉ đạt 10% công suất thiết kế. Vốn là cán bộ ngành nông nghiệp, ông thấu hiểu cảnh vất vả nhọc nhằn của người nông dân và xót xa bởi hàng chục triệu đô la nhà nước đầu tư nằm đó, cả vùng đất rộng lớn được quy hoạch cho trồng mía sao lại không triển khai được. Suy tư trăn trở, nhiều đêm không ngủ được ông lội trèo lên đỉnh đồi phía sau nhà máy nhìn xuyên suốt màn đêm.
Thành công
Đất trời Lam kinh rộng mở, với trách nhiệm của một giám đốc và tràn  đầy nhiệt huyết ông đã bắt đầu hành trình tìm đường từ cây mía. Cây mía tuy ngọt nhưng cũng không dễ vì trong lúc này là thời điểm cả nước đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực nên vận động bà con phá ngô, sắn để trồng mía hết sức khó khăn, vì ai cũng phải lo cái dạ dày đã. Ông đã cùng cán bộ xuống tận các địa phương kiên trì thuyết phục bà con tham gia trồng mía cho nhà máy, cử nhiều đoàn công nhân, cán bộ kỹ thuật xuống làng bản thực hiện “ ba cùng’’ với nông dân. Cả ban lãnh đạo nhà máy cho đến nhân viên tập trung vào chặt hom mía, rồi chuyển xuống cho dân, người ở dưới cơ sở hướng dẫn kỹ thuật làm đất, đặt trồng hom giống. Đồng thời ông bàn với lãnh đạo nhà máy và đề ra nhiều chính sách hỗ trợ cho người trồng mía, các chính sách đó được phổ biến gửi đến từng hộ. Cái lo, sự tận tình của ông và của nhà máy đã được nông dân đồng lòng, sự tốt lành và hy vọng cho nhà máy đã có khởi sắc. Nhưng ông biết khó khăn vẫn còn nhiều lắm bởi vì nhà máy lúc này đâu có sẵn vốn, ông và chiếc xe u óat cũ cứ mờ sáng từ Lam Sơn đi Hà Nội tối lại thấy ông ở nhà máy, bạn bè giúp ông bán đường non, giúp cho ông vay tiền để đầu tư cho nông dân trồng mía. Cùng với đầu tư ông tổ chức kết nghĩa với các địa phương để gắn bó và có trách nhiệm hơn mà kết nghĩa thì địa phương được phần lợi nhiều hơn. Nông dân thiếu lương thực ông và cán bộ nhà máy đến Bộ xin chỉ tiêu vào Nam mua gạo về cho nông dân vay và trừ dần vào tiền bán mía, người trồng mía có cái ăn họ thấy việc trồng mía bán cho nhà máy là điều thoát khỏi đói nghèo, đúng là “ một miếng khi đói bằng một gói khi no”  mãi đến hôm nay các cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân ở vùng đất Lam Sơn vẫn không bao giờ quên. Cây mía Lam Sơn đã trở thành cây chủ lực, cây làm giàu của hơn 30 vạn hộ nông dân với gần 1 triệu lao động, cuộc sống của công nhân, nông dân ở vùng đất Lam Sơn gồm 112 xã thuộc 11 huyện phía tây Thanh Hoá đổi thay. Cây mía đã khai hoang 10.000 ha đất trồng đồi trọc, 6.000 ha vườn tạp thành vùng đất ngọt, mở đường giao thông đến từng bản làng, mang điện sáng văn minh về thôn, trường học cao tầng, trạm xá, trụ sở phát triển nhanh, thị trấn, thị tứ ra đời phố phường sầm uất, cùng bao các ngành dịch vụ được bung ra, nhịp sống công nghiệp tràn vào các ngõ xóm, bộ mặt nông thôn đổi mới từng ngày, đã đưa cuộc sống lên văn minh.
Có thể nói, việc làm của ông Tam đã gieo vào lòng người nơi đây khiến cho từng con người đầy niềm tin vào công cuộc đổi mới của Đảng và chính sách của  Nhà nước, ông đã đưa cách làm đến cho bao con người từ nghèo đói trở thành no đủ và giàu có. Ghi nhận thành tích của Công ty năm 1999 Nhà nước đã phong tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể Công ty đường Lam Sơn và năm 2000 ông Lê Văn Tam Tổng giám đốc nay là chủ tịch Hội đồng quản trị được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động.
Sự thành công của mía đường Lam Sơn là chứng minh cho sức mạnh đoàn kết nhất trí giữa nhà máy với các cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là của công nhân, nông dân trên vùng đất Lam Sơn. Những thành quả ấy gắn liền với hình ảnh mẫu mực, tận tuỵ sáng tạo, sự làm việc không biết mệt mỏi của của ông Lê Văn Tam để làm bật dậy sức sống mạnh mẽ của một vùng quê nghèo.
Phát triển mới
Khi Nhà nước thực hiện cổ phần hoá, ông Tam lại đi tiên phong trong ngành cũng như trong tỉnh, năm 2000 công ty chuyển đổi thành công sang công ty cổ phần, Lam Sơn không những là doanh nghiệp cổ phần có vốn điều lệ cao mà còn là bước đột phá, bởi người dân trồng mía cũng được mua cổ phần ưu đãi như công nhân nhà máy, đây là một sự đổi mới cơ chế sáng tạo nhằm tiếp sức cho nông dân bước vào CNH-HĐH với mọi tiềm lực của chính mình. Sự sáng tạo đó, ông Tam là người đề xuất với Chính phủ với Bộ NN&PTNT và được đánh giá cao, đó là một chủ trương hợp lòng dân.
Mía đường Lam Sơn đang phát triển để trở thành một tập đoàn kinh tế, là một cuộc cách mạng mà ông Tam là người nhạc trưởng. Ông đã xây nên một mô hình hợp tác kinh tế mới liên kết Công - Nông - Trí thức làm cho người công nhân và nông dân cùng lo cho nhà máy, cùng lo cho vùng mía. Nhưng trong tâm cảm ông vẫn luôn theo đuổi ý tưởng rằng: “ nông dân có giàu thì nhà máy mới phát triển, nhà máy có vững thì mới có lực giúp nông dân làm giàu”. Để ổn định và vững chắc ông lại tính xa hơn, trong công ty ông thực hiện cổ phần hoá các nhà máy, xí nghiệp thành viên thành các công ty cổ phần, đến nay đã có 9 công ty cổ phần, công ty TNHH và Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn là công ty mẹ có vốn chi phối., tất cả những đứa con này đã và đang lớn lên ăn nên làm ra. Với những bước đi trên, ông đã đưa công ty cổ phần mía đường Lam Sơn sớm ra trình làng trên thị trường chứng khoán và đã trở thành một trong tốp 20 mã chứng khoán uy tín Việt Nam. Đất nước đã hội nhập quốc tế, ông trăn trở và tự đánh giá mình, đánh giá bạn. Ông Tam lại tiên phong thực hiện đổi mới doanh nghiệp tái cấu trúc lại bộ máy, làm cho mọi người hiểu biết mình hơn, chuyên sâu hơn về lĩnh vực đảm nhiệm và thêm yêu mến gắn bó nơi mình công tác, toàn tâm toàn  lực cho sự nghiệp. Bước đi của Mía đường Lam Sơn lại càng thêm vững chắc, bằng con đường đầu tư mở rộng nâng công suất nhà máy số 2 lên gấp hai lần so với hiện nay từ 4.000 tấn mía ngày lên 8.000 tấn mía ngày, đồng thời tiến quân vào “ Làm mới lại cây mía hạt đường Lam Sơn”, đầu tư khoa học công nghệ hiện đại như tưới nước chìm, tưới nổi cho cây mía tạo ra năng suất chất lượng cao vượt trội, xây dựng doanh nghiệp nông nghiệp trong nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, những dự án chương trình đó đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên đất Lam Sơn, được Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng tình ủng hộ cao. Năm 2010 vừa khánh thành 1 Trung tâm Văn hóa – Thể thao hiện đại đầy đủ các chức năng, xây dựng một khu du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng tâm linh và chỉ 6 tháng đầu năm 2011 đã cho ra đời 2 Công ty cổ phần đầu tư phát triển ở hai huyện miền núi Thanh Hóa, người dân góp vốn bằng đất, công ty đầu tư tiền vốn, khoa học kỹ thuật và quản lý, dự kiến trên vùng đất Lam Sơn dến năm 2015 sẽ có thêm từ 20 – 30 doanh nghiệp. Lasuco sẽ trở thành một tập đoàn kinh tế Công - Nông nghiệp – du lịch, Dịch vụ - Thương mại biến vùng đất đường Lam Sơn thành một khu công nghiệp sản xuất, chế biến nông sản có qui mô tập trung, khối lượng hàng hoá lớn, chất lượng cao.
Người làm sáng lên một vùng đất cằn như vậy nhưng ông vẫn bình dị như bao người khác, cái Tâm của ông luôn luôn lo lắng cho đời sống người lao động, người trồng mía, ông vẫn thường xuyên nói đó là trí tuệ, công sức của tập thể và vẫn ngày đêm tìm những cách làm mới để làm giàu cho quê hương, đất nước.
Tạp chí Ngày Nay số 7+8

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online