NNO - Gần đây, trên một số bài báo xuất hiện thuật ngữ “Sáng tạo học đường”, nội dung các bài báo ấy đều nhằm phản ảnh mong muốn nền giáo dục – đào tạo nước ta có những thay đổi căn bản về nội dung, phương pháp dạy và học, khắc phục tình trạng lạc hậu của một nền giáo dục ứng thí - học để thi, với lối truyền thụ một chiều, với một quan hệ nghiêm ngặt giữa thầy và trò (thầy nói trò nghe); thay bằng việc rèn luyện cho người học hình thành nếp tư duy sáng tạo trong học tập, gợi cho người học nguồn sáng hay nguồn sáng tạo bên trong mỗi người, hướng tới mục đích giáo dục không phải chỉ là thông tin về những giá trị của quá khứ, của cái có sẵn trong sách giáo khoa, trong giáo án mà là “sáng tạo những giá trị mới cho tương lai” thông qua quá trình học tập. Phương pháp này tạo cho người học niềm say mê, hứng khởi mỗi khi đến trường, khiến họ tham gia vào quá trình học tập một cách tích cực nhất.
Thực ra, sáng tạo học đường không còn là vấn đề mới mẻ. Nội hàm của thuật ngữ này đã được phản ánh trong các nền giáo dục ở các nước Âu - Mỹ từ giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XX trở lại đây, khi mà cuộc cách mạng “công nghệ dạy học” ở các nước này đã bộc lộ những hạn chế và bị phê phán từ nhiều phía, thậm chí bị bác bỏ hoàn toàn do lối điều khiển hành vi, cho rằng con người có thể nhào nặn theo ý muốn bởi những công nghệ dạy học và những kế hoạch giáo dục nhất định. Từ đó, họ hướng tới một nền giáo dục mới đề cao phương pháp dạy và học sáng tạo, người dạy và người học được hiểu là các chủ thể hành động tương tác có ý thức với nhau chứ không phải bằng những “công nghệ dạy học” có sẵn. Trong giáo dục học đường, yếu tố sáng tạo được đặt lên hàng đầu và là tâm điểm trong quá trình tổ chức giáo dục: trường học sáng tạo, giáo viên sáng tạo và học sinh sáng tạo.
Ở nước ta, phương pháp này cũng được Nhà nước quan tâm từ rất sớm (tuy mức độ còn thấp). Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo được coi là “quốc sách hàng đầu”, là “chìa khoá mở ra cánh cửa tương lai” và “đầu tư cho giáo dục – đào tạo là đầu tư cho phát triển”... Theo đó, yêu cầu đổi mới một nền giáo dục chất lượng ngày càng cao cũng đã được đặt ra.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, câu chuyện đó đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thích đáng. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương II, nội dung và phương pháp giáo dục – đào tạo của nước ta vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể, vẫn còn nhiều bất cập và lạc hậu. Sự lạc hậu của một nền “giáo dục ứng thí” ngày càng thể hiện rõ hơn; chương trình giáo dục trong sách giáo khoa ở các bậc học phổ thông và giáo trình đại học, cao đẳng hầu như vẫn như cũ. Một số cải tiến cách dạy, cách học chỉ là cục bộ ở một số trường, một số bộ môn, hay ở một vài cá nhân, kết quả chưa thực sự mang lại hữu ích cho nhà trường và phổ cập trong học đường. Nhà trường vẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo một kế hoạch định trước với các mối quan hệ nghiêm ngặt giữa nguyên nhân - ảnh hưởng của nền giáo dục cũ; giáo viên chủ yếu vẫn truyền đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên qua sách giáo khoa và giáo trình lập sẵn; học sinh, sinh viên vẫn chỉ tập trung vào việc sao chép, ghi nhớ thông tin và thực hành kỹ năng đơn giản, làm cho sự tiếp thu của họ luôn bị rơi vào thế bị động. Cả nhà trường, giáo viên và học sinh, sinh viên đều chưa thể hiện được một nền văn hoá học tập tiên tiến, người dạy và người học chưa được coi là các chủ thể hành động tương tác có ý thức với nhau.
Quá trình giáo dục - đào tạo ấy đã làm cho chỉ số sáng tạo (CQ) của học sinh, sinh viên nước ta ở mức báo động, trong khi nhiều công trình nghiên cứu về những chỉ số nhân lực trong thập kỷ qua đã cho thấy thanh niên Việt Nam rất nổi trội về chỉ số thông minh (IQ) và năng lực cảm xúc (EQ). Nhiều thầy giáo cho biết, học sinh của họ gặp rất nhiều khó khăn khi dùng trí tưởng tượng để giải quyết vấn đề. Các em không có khả năng sáng tạo, không còn là người tìm hiểu kiến thức mà trở thành những cỗ máy ghi nhớ. Niềm say mê sáng tạo là cốt lõi căn bản để thôi thúc học sinh hiểu sâu, biết rộng đã không được khơi dậy trong học đường. Việc học chăm chỉ của các em nếu có chỉ là đối phó mà thôi. Hệ luỵ là hiệu quả cuối cùng, thứ quan trọng nhất của giáo dục là kiến thức trong mỗi học sinh đều là kết quả ảo.
Đây là điểm yếu nhất trong nền giáo dục - đào tạo của nước ta hiện nay, là nguyên nhân căn bản dẫn đến chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, nhất là đào tạo nguồn nhân lực cao có tư duy sáng tạo, có thói quen nghiên cứu khoa học và có khả năng phản biện độc lập. Phần lớn các “sản phẩm” sau nhiều năm ra trường vẫn chỉ biết vâng lời với những công việc được “cầm tay chỉ việc”.
Để không bị tụt hậu, giáo dục nước ta cần đổi mới toàn diện và phát triền nhanh chóng giáo dục - đào tạo, “đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học”, trong đó đặc biệt “coi trọng giáo dục năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp” để từng bước hướng tới một nền giáo dục tiên tiến.
Chủ trương giáo dục đề cao sáng tạo đã trở thành phổ biến trên thế giới và được coi như một quy luật để phát triển. Giáo dục Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó. Sớm muộn, cũng phải coi sáng tạo học đường là một yếu tố đặc biệt quan trọng, tiên quyết, là chìa khoá để hướng tới một nền giáo dục tiên tiến. Bởi, không sáng tạo, nghĩa là giáo dục Việt Nam vẫn sẽ lạc hậu so với nhu cầu ngày càng cao của người học và nhu cầu phát triển của xã hội. Hệ quả khi không có sự đổi mới theo hướng giáo dục sáng tạo, chắc chắn giáo dục Việt Nam vẫn sẽ đứng im trong dòng chảy của thời đại./.
TS. Nguyễn Thành Vinh
(Tạp chí Ngày Nay số 7+8)
(Tạp chí Ngày Nay số 7+8)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét