“Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”
(NNO) - Mang trong mình vẻ đẹp cổ kính cùng với thời gian, Cố đô Huế khiến người ta nghĩ đến cái gì đó thật bình yên, tĩnh mịch. Gần một thế kỷ rưỡi là Kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, từng là thủ phủ của Phật giáo một thời, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu u tịch. Ông Amadou Mahtar M’bow - Nguyên Tổng giám đốc UNESCO, đã thật tinh tế khi đưa ra một nhận xét trong lời kêu gọi cho cuộc vận động bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo Di sản văn hóa Huế: “Huế không phải chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động - ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo”.
Huế không có sự ồn ào của những nhà máy, công xưởng hay khói bụi mù mịt của các phương tiện giao thông, Huế là sự hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên với cuộc sống yên bình của những con người dễ mến nơi đây.
Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến nhữnh thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích do thiên nhiên khéo tạo.
Nằm giữa lòng thành phố Huế, bên bờ Bắc của sông Hương chảy xuyên qua từ Tây sang Đông, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền nhà Nguyễn vẫn sừng sững trước bao biến động của lịch sử và thách thức của thời gian. Huế, ba toà thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh… Những công trình kiến trúc ở đây như hòa lẫn vào thiên nhiên tạo nên những tiết tấu kỳ diệu khiến người ta quên mất bàn tay con người đã tác động lên nó.
Gần 400 năm (1558-1945), Huế là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong (bắt đầu từ lộ Thuận Hoá), được thiết lập dưới thời Vương triều Trần (1366). Là kinh đô của triều đại Tây sơn (cuối thế kỷ XVIII), rồi đến kinh quốc của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn (1802-1945), tiếp tục phát huy và gây dựng ở vùng Huế một tài sản văn hóa vô giá. Cố đô Huế lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Quần thể di tích của Cố đô đã được sánh ngang hàng với các kỳ quan hàng ngàn năm của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO được công nhận vào năm 1993.
Suốt mấy thế kỷ qua, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về đây, hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc để hoàn chỉnh thành một bức cảnh thiên nhiên tuyệt vời với sông núi hữu tình thơ mộng.
Đây khu Hoàng thành với 4 cổng ra vào, nơi có Ngọ Môn được lấy làm biểu tượng của Cố đô, là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn. Bên trong Hoàng thành là Tử cấm thành - nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia. Xuyên suốt cả ba toà thành, khi thì lát đá cụ thể, khi thì mang tính ước lệ, con đường Thần Đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan trọng nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hoà, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung… Hai bên đường Thần đạo này là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên, luôn tạo cho con người một cảm giác nhẹ nhàng.
Xa xa về phía Tây Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hoá. Lăng vua, đôi khi lại là một cõi thiên đường tạo ra cho chủ nhân hưởng thú tiêu dao lúc còn sống, rồi sau đó mới trở thành cõi vĩnh hằng khi bước vào thế giới bên kia. Hàm nghĩa như vậy nên kiến trúc lăng tẩm ở đây mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt ở Việt Nam.
Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ảnh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ: lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp khiến người xem cảm nhận được hùng khí của một chiến tướng từng trải trăm trận; lăng Minh Mạng uy nghi bình chỉnh đăng đối giữa núi rừng hồ ao, được tôn tạo khéo léo, hẳn có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ; lăng Thiệu Trị thâm nghiêm, vừa thâm trầm giữa chốn đồng không quạnh quẽ, cũng phần nào thể hiện tâm sự của một nhà thơ siêu việt trên văn đàn song không nối được chí tiền nhân trong chính sự; lăng Tự Đức thơ mộng trữ tình được tạo nên chủ yếu bằng sự tinh tế của con người, phong cảnh nơi đây gợi cho du khách hình ảnh của một tao nhân mang nặng nỗi niềm trắc ẩn bởi tâm huyết của một nhà vua không thực hiện được…
Bên cạnh thành quách, cung điện, lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng bao nhiêu công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền mà cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục. Song song với Kinh thành vững chãi bảo vệ bốn mặt, Trấn Bình Thành án ngữ đường sông, Trấn Hải Thành trấn giữ mặt biển, Hải Vân Quan phòng ngự đường bộ phía Nam, cả một hệ thống thành luỹ của Kinh đô, song không mấy ai để ý đến tính quân sự của nó vì nghệ thuật kiến trúc đạt đến đỉnh cao.
Đan xen giữa các khu vực kiến trúc cảnh vật hóa độc đáo ấy, chúng ta còn có đàn Nam Giao - nơi vua tế trời; đàn Xã Tắc - nơi thờ thần đất, thần lúa; Hổ Quyền - đấu trường duy nhất dành cho voi và hổ; Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sĩ văn thời Nguyễn; Võ Miếu - nơi thờ các danh tướng cổ đại và dựng bia khắc tên tiến sĩ võ; điện Hòn Chén - nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na… và còn qua nhiều những thắng tích liên quan đến triều Nguyễn hòa điệu trong các thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, Vọng Cảnh, Thiên Thai, Thiên An, Cửa Thuận… thực sự là những bức tranh non nước tuyệt mỹ.
Huế từng hiện hữu những khu vườn ngự danh tiếng như Ngự Viên, Thư Quang, Thường Mậu, Trường Ninh, Thiệu Phương… Chính phong cách kiến trúc vườn ở đây cũng lan tỏa khắp nơi trong dân gian, phối hợp với những nhân tố sẵn có, dần dần định hình một kiểu thức nhà vườn đặc thù của xứ Huế. Đây là thành phố của những khu nhà vườn với những ngôi nhà cổ thâm nghiêm ẩn hiện giữa xóm phường bình yên trong lòng Cố đô. Mỗi một khu nhà vườn lại mang bóng dáng của Kinh thành Huế thu nhỏ, cũng có bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng Hương, đôi tảng đá cụm thay cho cồn Dã Viên, Bộc Thanh… đủ các yếu tố tiền án, hậu chẩm, tả long, hữu hổ… lại bốn mùa hoa trái, ríu rít chim ca, không gian ấy còn là thế giới của những thi nhân mặc khách đối ẩm ngâm vịnh, là nơi diễn xướng những điệu ca Huế não nùng như Nam Bình, Nam Ai… trong những đêm gió mát trăng thanh.
Gắn với một triều đại phong kiến tuân thủ những nguyên tắc rạch ròi của triết lý Khổng Mạnh, lễ hội và âm nhạc ở vùng kinh sư này đã phát triển vô cùng phong phú và mang đậm phong cách dân tộc. Triều đình thì có lễ Tế Giao, Tế Xã Tắc, lễ Nguyên Đán, lễ Đoan Dương, lễ Vạn Thọ, lễ Đại triều, lễ Thường triều, lễ Ban Sóc, lễ Truyền Lô, lễ Duyệt Binh... mỗi một lễ hội đều có những bước nghi thức mà phần hồn của nó chính là âm nhạc lễ nghi cung đình. Dân gian cũng đa dạng các loại hình lễ hội: lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội vật Sình, lễ hội đua ghe, lễ hội tế đình, tế chùa, tế miếu... gắn kết với các loại hình lễ hội lại là những hình thức âm nhạc lễ nghi dân gian muôn màu muôn vẻ.
Cùng tồn tại với dòng âm nhạc mang tính lễ nghi, loại hình âm nhạc mang tính giải trí tiêu khiển của xứ Huế cũng được thế giới biết đến như một điển hình mang đậm bản sắc riêng của một vùng văn hóa, mộc mạc thuần khiết, đặc thù không pha trộn. Đó là những điệu múa Huế, những vở tuồng Huế, những bài ca Huế mà ngày nay đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi chuyến tham quan Cố đô của du khách mọi miền.
Huế còn sở hữu di sản thứ hai của thế giới đó là Nhã nhạc cung đình Huế - di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2003 là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Huế vẫn đang gạn đục khơi trong, giữ gìn những tinh hoa văn hóa cổ truyền của dân tộc, bảo tồn những hình thái nghệ thuật được tạo nên bằng trí tuệ tâm huyết của tiền nhân nay đang ở bên bờ lãng quên, phục hồi những giá trị tinh thần quí báu của cha ông khi còn có thể.
Ngày nay, Huế trở thành một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Cứ hai năm một lần, nhân dân thành phố Huế lại đón chào ngày lễ hội trọng đại này trong niềm háo hức. Trong ý nghĩ của nhiều người, Huế trở thành thành phố Festival gần như là một điều tất yếu vì ở Huế còn bảo lưu khá điển hình diện mạo một kinh đô của triều đại phong kiến mà các công trình kiến trúc lại hòa điệu với thiên nhiên tạo nên những tiết tấu độc đáo với những lễ hội, âm nhạc, ẩm thực truyền thống được bảo tồn phong phú đa dạng.
Huế đang sở hữu hai di sản thế giới mang ý nghĩa quốc hồn quốc tuý của dân tộc, Huế là một hiện tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới. Huế - thành phố của sự hài hòa giữa kiến trúc - thiên nhiên và con người, Huế là sự tổng hợp giữa đạo và đời trong kiến trúc, giữa cổ xưa và hiện đại, Cố đô cổ kính chung sống hài hòa với thành phố trẻ mới ngày nay. Với một công cuộc bảo tồn theo những tiểu chuẩn cao nhất của Di sản thế giới, kho tàng văn hóa Huế sẽ còn tiếp tục nở rộ những đóa hoa nghệ thuật tươi mới. Huế sẽ mãi mãi được giữ gìn cho Việt Nam và cho thế giới, mãi mãi là niềm tự hào của chúng ta./.
Phượng Nguyễn
(Tạp chí Ngày Nay – VFUA)
(Tạp chí Ngày Nay – VFUA)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét