Radio Ngay Nay Online

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Thăm Thành Nhà Hồ

                                       
                                                              ( Ảnh sưu tầm mang tính minh họa) 
NNO - Lần theo chân các nhà khảo cổ đến với Thành Nhà Hồ bạn sẽ được chứng kiến những dấu tích của Đàn Nam Giao, của con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn. Đây chính là nơi hằng năm vương triều Hồ tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc vào những dịp đại xá thiên hạ. Sau nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu quy mô, các nhà khoa học khẳng định đây là đàn tế duy nhất ở Việt Nam còn khá nguyên vẹn về mặt di tích và là Đàn Nam Giao có quy mô hoành tráng, hòa quyện giữa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên.


Ngược dòng lịch sử, trở về vùng Tây Đô, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa tìm về gốc tích của Thành An Tôn, Thành Tây Đô, Thành Tây Giai - những tên gọi khác của Thành Nhà Hồ được Hồ Quý Ly, khi đó còn làm tể tướng cho xây dựng vào năm Đinh Sửu (1397). Tương truyền thành chỉ xây trong vòng ba tháng thì xong. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5m, có tấm nặng tới 15 - 20 tấn. Thành có hình gần vuông, tường thành cao trung bình 7-8m, có nơi cao 10m. Chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng tiền - hậu - tả - hữu. Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau. Cổng tiền (phía Nam) là cổng chính, có ba cửa. Cửa giữa rộng 5,82m, cao 5,75m, hai cửa bên rộng 5m45, cao 5,35, (ba cổng còn lại chỉ có một cửa).



Đến Thành Nhà Hồ ngược về phía Đông Nam khoảng 2,5km, Đàn Nam Giao tọa lạc trong lòng tay ngai Đốn Sơn (còn gọi là núi Đún) được xây dựng năm 1402 dưới thời vua Hồ Hán Thương, có diện tích khoảng hơn 2ha, lưng tựa Đốn Sơn, tiền án là “cánh đồng Nam Giao”. Dấu tích con đường linh đạo đi vào khu vực tế trời được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn, các cấp nền bao (nền Thượng, nền Trung, nền Hạ) cũng được xây dựng bằng đá xanh và nhóm vật liệu bằng đất nung (gạch, ngói,…).

Các cối cửa bằng đá ở các phía của đàn có hình bán nguyệt; hệ thống cống thoát nước ở các dãy tường có chức năng thoát nước từ bên trong khu vực tế ra bên ngoài cũng như hạn chế được sự xói mòn và sụt lở của các đoạn tường.

Một công trình kiến trúc hết sức độc đáo và được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là Giếng Vua. Giếng Vua hay còn gọi là Ngự Dục, Ngự Duyên có hình vuông, được kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng, mỗi bậc có chiều cao khoảng 20cm, rộng khoảng 20cm, cạnh lớn nhất hiện thấy dài 14cm. Ở độ sâu khoảng 10m so với nền đàn trung tâm, các nhà khảo cổ đã tìm ra mạch nước của giếng cổ. Ngoài ra du khách còn được nghe dân gian xung quanh vùng kể về những địa danh như: Dọc Bái, Dọc sen,… tương truyền trước kia khi tế lễ, dân chỉ được đứng ở phía xa để bái vọng. Đàn tế Nam Giao, không chỉ độc đáo về mặt kiến trúc, lịch sử mà đến đây sẽ còn cảm nhận được sự linh thiêng, cao cả của đất - trời, nơi gửi gắm ước mong của người Việt.


Theo khẳng định của các nhà nghiên cứu, đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất về cảnh quan cũng như quy mô kiến trúc ở khu vực Đông Nam Á. Các nhà khoa học cũng khẳng định, qua các thành phần kiến trúc còn lại, hoàn toàn có thể phục dựng được diện mạo của Đàn Nam Giao thời Hồ

Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khi thăm thực địa tại Thành Nhà Hồ đã rất ngạc nhiên với kiến trúc nơi đây: "Tôi rất ấn tượng với việc xây Thành Nhà Hồ bằng việc gắn những phiến đá rất lớn lại với nhau mà không cần đến một chất kết dính nào trong một khoảng thời gian rất ngắn, lại thực hiện hoàn toàn bằng sức người. Đây là một trong rất nhiều sự độc đáo của Thành Nhà Hồ mà các nhà khoa học Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu".


Dù Thành Nhà Hồ có trở thành di sản văn hóa nhân loại hay không thì bà Katherine Muller-Marin vẫn mong muốn chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nghiên cứu những bí ẩn của Thành Nhà Hồ cũng như tiếp tục có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của di tích để nơi đây luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách gần xa.

Mặc dù Thành Nhà Hồ chỉ tồn tại một khoảng thời gian ngắn ngủi trong lịch sử dân tộc, nhưng triều đại nhà Hồ đã để lại cho kho tàng nghệ thuật kiến trúc Việt Nam một công trình đặc sắc. Bức tường thành đồ sộ với chu vi hơn 3km, là một bằng chứng về sức lao động vĩ đại và tài năng tiềm tàng của nhân dân Việt Nam, là sự phản chiếu về một triều đại - triều đại nhà Hồ - với nhiều dấu ấn đậm nét.

Với những giá trị lịch sử, văn hoá và kiến trúc, cùng những động thái tích cực trong quá trình vận động các nước ủng hộ đề cử Di sản văn hoá Thành nhà Hồ tại Hội nghị lần thứ 35 của Ủy ban Di sản văn hóa Thế giới dự định tổ chức tại Pais - Pháp vào tháng 6, hy vọng Thành Nhà Hồ sẽ được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới./.

Thái Mai
(Tạp chí Ngày Nay)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Video Online